Trong thời điểm dịch covid phức tạp như hiện tại, nhiều công ty rơi vào tình cảnh khó khăn cả về tài chính lẫn nhân sự. Có bạn gửi câu hỏi về cho Thư Ký Luật thắc mắc rằng công ty đang trong giai đoạn khó khăn nên muốn chuyển bạn sang vị trí công việc khác, vậy có được không?
Dịch Covid-19: Công ty có quyền chuyển NLĐ sang công việc khác không? (Ảnh minh hoạ)
Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT xin giải đáp vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL về trả lương cho người lao động ngừng việc liên quan Covid 19 quy định:
3. Đối với trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn nguyên vật liệu, thị trường dẫn tới không bố trí đủ việc làm, người sử dụng lao động có thể tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 31 Bộ luật Lao động; nếu thời gian ngừng việc kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Lao động; nếu doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, dẫn tới giảm chỗ làm việc thì thực hiện sắp xếp lao động theo Điều 38 hoặc Điều 44 Bộ luật Lao động.
Đối chiếu với Điều 31 Bộ luật Lao động 2012:
Điều 31. Chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động
1. Khi gặp khó khăn đột xuất do thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, áp dụng biện pháp ngăn ngừa, khắc phục tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố điện, nước hoặc do nhu cầu sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động được quyền tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, nhưng không được quá 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, trừ trường hợp được sự đồng ý của người lao động.
Như vậy, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp có quyền điều chuyển, bố trí cho người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Tuy nhiên, việc điều chuyển này phải tuân phủ các quy định của pháp luật hiện hành, đơn cử:
- Khi tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động, người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc, thông báo rõ thời hạn làm tạm thời và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ, giới tính của người lao động.
- Người lao động sẽ được trả lương theo công việc mới; nếu tiền lương của công việc mới thấp hơn tiền lương công việc cũ thì được giữ nguyên mức tiền lương cũ trong thời hạn 30 ngày làm việc. Tiền lương theo công việc mới ít nhất phải bằng 85% mức tiền lương công việc cũ nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
- Người sử dụng lao động đã tạm thời chuyển người lao động làm công việc khác so với hợp đồng lao động đủ 60 ngày làm việc cộng dồn trong một năm, nếu tiếp tục phải tạm thời chuyển người lao động đó làm công việc khác so với hợp đồng lao động thì phải được sự đồng ý của người lao động bằng văn bản.
- Người lao động không đồng ý tạm thời làm công việc khác so với hợp đồng lao động mà phải ngừng việc thì người sử dụng lao động phải trả lương ngừng việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 của Bộ luật Lao động.
Với bài viết trên, hy vọng mọi người có thêm nhiều hiểu biết để ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
*Căn cứ Bộ luật lao động 2012 và Điều 8 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Thu Ba
- Từ khóa:
- Công văn 1064/LĐTBXH-QHLĐTL