"Quấy rối tình dục" nơi công sở đang trở thành một vấn nạn, cần phải được xử lý. Bộ luật Lao động 2012 có quy định đến vấn đề này nhưng chỉ chung chung chưa cụ thể, thiếu các văn bản và tài liệu hướng dẫn để nhận diện hành vi quấy rối tình dục, làm cho việc phòng chống và xử lý hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã đưa ra bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc hướng dẫn cách hành xử giữa người lao động với nhau, giữa người lao động và chủ sử dụng lao động. Tuy nhiên, bộ quy tắc này không phải là văn bản pháp lý mà chỉ mang tính chất khuyến nghị doanh nghiệp áp dụng vào trong nội quy, quy định. Những hành vi quấy rối tình dục nói chung đã được quy định trong Bộ luật hình sự như tấn công tình dục, hiếp dâm, cưỡng dâm... nhưng đó là những hành vi ở mức độ nặng, cần phải xử lý bằng pháp luật hình sự. Đối với hành vi quấy rối không ở mức độ phải điều chỉnh bằng pháp luật hình sự nhưng ảnh hưởng xấu đến người lao động cũng như môi trường làm việc, cản trở kinh doanh thì cần phải được điều chỉnh.
Theo Bộ quy tắc ứng xử thì quấy rồi tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng đến nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không chấp nhận được, không mong muốn và không được xử lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu. Đối với những hành vi nhằm mục đích đánh đổi diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tọa, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục nhận là quấy rối tình dục trao đổi.
Các hình thức quấy rối tình dục
- Hành vi quấy rối thể chất: Tiếp xúc, cố tình đụng chạm sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm...
- Hành vi quấy rối bằng lời nói: Nhận xét không phù hợp, đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục...
- Hành vi quấy rối phi lời nói: Ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm...
Nói đến định nghĩa nơi làm việc theo bộ quy tắc không chỉ giới hạn nơi thực hiện công việc như văn phòng, nhà máy mà được mở rộng tại các địa điểm liên quan đến công việc như hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các hoạt động xã hội liên quan đến công việc, các hoạt động giao tiếp liên quan đến công việc.
Tác động của việc bị quấy rối tình dục gây ảnh hưởng lớn đến người lao động, gây tạo lý khó chịu hoặc lo lắng, ảnh hưởng đến công việc, giảm năng suất. Người bị thiệt trong trường hợp này là chủ sử dụng lao động đó là chưa nói đến việc người lao động có thể xin nghỉ việc khiến doanh nghiệp mất phí đào tạo và mất công tuyển dụng. Vì mang tính tự nguyện, không được hướng dẫn rõ ràng bằng văn bản pháp luật, không bị bắt buộc nên có những khái niệm như quấy rối tình dục là gì, những biểu hiện của quấy rối tình dục trong bộ quy tắc nói rõ nhưng trong luật lại không nói. Bộ quy tắc không được phổ biến rộng rãi trong doanh nghiệp sẽ khiến nhiều người vẫn mơ hồ, nhầm lẫn giữa hành vi quấy rối tình dục và những trò trêu đùa tại nơi làm việc. Vấn đề là người chủ doanh nghiệp nhìn nhận quấy rối tình dục tại nơi làm việc như thế nào, từ đó họ có chấp nhận đưa bộ quy tắc vào nơi làm việc hay không?
Tại Điểm 2, Điều 8, Bộ Luật Lao động 2012 quy định "Cấm ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc". Điều 37 ghi rõ, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu như bị ngược đãi, bị quấy rối tình dục, bị cưỡng bức lao động và khoản 1, Điều 183 quy định không được ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.. Hành vi quấy rối tình dục được đưa vào luật nhưng chưa quy định cụ thể, chỉ nêu lên những hành vi bị cấm, quyền và nghĩa vụ của người lao động mà chưa có chế tài xử phạt cũng như trách nhiệm bồi thường. Đến nay, dù luật có hiệu lực được 3 năm nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể bao gồm việc giải thích và mô tả để xác định chính thức thế nào là quấy rối tình dục.
Theo đề xuất tại Dự thảo Báo cáo tổng kết 03 năm đánh giá thi hành Bộ Luật Lao động thì trong lần sửa đổi, bổ sung một số Điều của Bộ luật Lao động 2012 thì phải quy định cụ thể đối với hành vi “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc”.
Ngoài ra, Bộ cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định chung nhu:
- Bổ sung một số quyền cơ bản của người lao động: quyền khiếu nại về các quyết định, hành vi của người sử dụng lao động.
- Quy định cụ thể các nội dung chính của sổ lương để doanh nghiệp thực hiện.