Tại Dự thảo Báo cáo Tổng kết đánh giá 03 năm thi hành Bộ luật lao động ngày 03/10/2016, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội đã chỉ ra một số ưu điểm và hạn chế trong quá trình thi hành pháp luật lao động, đồng thời đưa ra một số đề xuất, góp phần xây dựng hoàn thiện hơn chính sách lao động cho người lao động, trong đó phải kể đến một số quy định liên quan đến hợp đồng lao động (HĐLĐ).
HĐLĐ đóng vai trò quan trọng, là căn cứ và chứng cứ xác lập nên quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Thông qua HĐLĐ, các bên trong quan hệ lao động nhận thức được quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, tuân thủ hợp đồng lao động chính là tôn trọng pháp luật, làm trái quy định của hợp đồng chính là vi phạm pháp luật.
Theo Dự thảo Báo cáo Tổng kết, việc giao kết HĐLĐ chính là bảo đảm quyền lợi cho người lao động, căn cứ để giải quyết tranh chấp lao động cá nhân và là công cụ pháp lý hữu hiệu để Nhà nước quản lý, điều chỉnh quan hệ lao động. Song, vẫn còn nhiều người lao động chưa nhận thức rõ ý nghĩa và sự cần thiết phải giao kết hợp đồng lao động dẫn tới người lao động chưa thực hiện quyền thỏa thuận, thương lượng của mình với người sử dụng lao động về các nội dung trong HĐLĐ. Mặt khác, người sử dụng lao động còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để ký kết hợp đồng dân sự chứ không phải HĐLĐ để tránh đóng BHXH, BHTN cho người lao động.
Khi giao kết HĐLĐ, người lao động phải cung cấp một số thông tin cũng như giấy tờ cần thiết cho doanh nghiệp để đảm bảo thực hiện hợp đồng thế nhưng lại xảy ra một số tình trạng người lao động lừa dối doanh nghiệp bằng việc cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả mạo. Và pháp luật lao động cũng chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp này.
Liên quan đến hợp đồng thử việc, Bộ luật lao động có quy định thỏa thuận về việc làm thử, quyền và nghĩa vụ của các bên trong thời gian thử việc; chỉ được thử việc một lần đối với một công việc; tiền lương trong thời gian thử việc được nâng từ 70% lên 85% mức lương của công việc. Thực tế thì ở một số công ty, doanh nghiệp người sử dụng lao động cứ mập mờ đưa ra lý do này nọ để kéo dài thời gian thử việc của người lao động, tiền lương thử việc cũng không đảm bảo theo như thỏa thuận và quy định pháp luật.
Mặc dù đạt được nhiều ưu điểm song Bộ luật lao động cũng gặp không ít những mặt hạn chế, còn thiếu sót. Do đó, tại Dự thảo Báo cáo Tổng kết, Bộ lao động - Thương binh và Xã hội đã có một số đề xuất như sau:
- Bổ sung quy định cấm ký kết các loại hợp đồng khác thay cho hợp đồng lao động khi phát sinh quan hệ lao động.
- Quy định hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên phải giao kết bằng văn bản vì Luật BHXH quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia BHXH kể từ 01/01/2018. Nếu quy định công việc có thời hạn dưới 03 tháng có thể giao kết bằng lời nói sẽ gây khó khăn đối với việc thực hiện quy định này của Luật BHXH.
- Bổ sung thêm nội dung: "Người lao động phải cung cấp thông tin trung thực, chính xác cho người sử dụng lao động…” tránh tình trạng người lao động lừa dối doanh nghiệp cung cấp văn bằng, chứng chỉ giả mạo.
- Trước khi giao kết hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với người thử việc về việc làm thử và hai bên phải thực hiện giao kết hợp đồng thử việc; đồng thời quy định cụ thể nội dung của HĐ thử việc. Quy định hiện hành chưa rõ ràng về nội dung thử việc có thuộc HĐLĐ không, có bắt buộc các bên phải giao kết hợp đồng thử việc khi có thỏa thuận về việc làm thử không.
- Đồng thời, nên có quy định cụ thể hơn trong trường hợp kết thúc thời gian thử việc mà người sử dụng lao động không ký kết HĐLĐ với người lao động, mà người lao động vẫn làm việc thì hợp đồng đó được xem như hợp đồng xác định thời hạn theo quy định. Hoặc người sử dụng lao động phải thông báo về kết quả thử việc trước khi kết thúc thời gian thử việc.
Xem chi tiết Dự thảo Báo cáo tổng kết TẠI ĐÂY.
- Từ khóa:
- Hợp đồng lao động
- Lao động