Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương năm 2017 với mức đề xuất tăng chỉ 7,3% so với năm 2016. Sau đó, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã trình dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng 2017.
Tăng lương tối thiểu đang thu hút được sự quan tâm của dư luận, lương tối thiểu vùng liên tục tăng vào các năm 2015 và 2016 và mức tăng đều trên 12%. Vừa qua, Bộ Lao động thương binh và xã hội đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2017 với mức tăng từ 180.000 đồng – 250.000 đồng/tháng tùy theo vùng. Tuy nhiên, lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu của người dân.
Việc tăng lương cũng không đem đến những dấu hiệu đáng mừng cho cả người lao động và doanh nghiệp. Trong khi người sử dụng lao động chịu thêm nhiều gánh nặng về chi phí nhất là với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản thì người lao động chịu áp lực khi doanh nghiệp cắt giảm phụ cấp, cắt giảm lao động để duy trì hoạt động. Trước khi diễn ra cuộc họp chốt lương tối thiểu vùng đã có đề xuất nên trả lương tối thiểu theo giờ vì yếu tố linh hoạt, thuận lợi cho doanh nghiệp và người lao động. Như vậy, có nên tăng lương tối thiểu theo giờ?
Hiện nay, hầu hết các nước trả lương tối thiểu theo giờ. Xác định tiền lương tối thiểu phải căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế xã hội, quan hệ cung - cầu lao động và phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Chúng ta đang xác định tiền lương tối thiểu theo vùng, dựa trên các yếu tố cơ cấu mặt hàng, lương thực thực phẩm không thể hiện đúng bản chất của tiền lương tối thiểu.
Việc trả tiền lương tối thiểu theo giờ sẽ làm tăng năng suất lao động và phản ánh đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường. Trả tiền lương tối thiểu theo giờ để đáp ứng với sự linh hoạt của thị trường lao động, nhất là đối với loại hình lao động không trọn thời gian, những công việc có đặc thù ngắn hạn, người lao động làm việc bán thời gian.. Lương tối thiểu theo giờ được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu tháng và bao gồm đầy đủ các chi phí mà người sử dụng lao động phải chi trả cho người lao động làm việc theo tháng (kể cả bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hộ lao động, tiền lương nghỉ phép, tiền lương nghỉ lễ…).
Quy định trả lương theo giờ tác động như thế nào đối với doanh nghiệp và người lao động
Đối với doanh nghiệp
Tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp chỉ có nhu cầu tuyển lao động làm việc theo giờ, trong thực hiện các chính sách về bảo hiểm xã hội cho đối tượng chỉ có nhu cầu làm việc ngắn hạn hoặc theo giờ. Doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn hơn trong tuyển dụng lao động.
Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp sử dụng khá nhiều lao động và thường xuyên phải làm thêm giờ, tăng ca, việc trả lương tối thiểu vùng theo giờ khó thực hiện vì các doanh nghiệp này thực hiện trả lương cho người lao động dựa vào hiệu suất làm việc, tính theo đơn vị sản phẩm. Còn lương tối thiểu chỉ là căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội và các khoản đóng góp khác. Trường hợp trả lương tối thiểu theo giờ thì các chi phí này là tương đối cao.
Đối với người lao động
Với những ngành thường xuyên tăng ca, thêm giờ thì đây là thông tin đáng mừng nhưng vẫn còn đó những nỗi lo khi tăng lương sẽ kéo theo giá thành tăng, thưởng bị cắt xén. Hạn chế làm thêm giờ khi trả tiền lương theo giờ dẫn đến thu nhập giảm không đáp ứng nhu cầu của cuộc sống.
Mặc dù đưa ra thảo luận việc tăng lương tối thiểu theo giờ nhưng Dự thảo Nghị định về mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thì vẫn đề xuất việc trả tiền lương tối thiểu theo vùng. Việc có áp dụng mức lương tối thiểu quy định tại dự thảo Nghị định trên hay không còn phải chờ Nghị định chính thức của Chính phủ.