Em năm nay 16 tuổi, chưa đủ tuổi vào công ty, để có thể được đi làm, con đã mượn CMND và các giấy tờ liên quan của chị gái để đi công chứng, chứng thực hồ sơ xin việc. Như vậy, em có bị xem là vi phạm pháp luật không? Và nếu có thì em sẽ bị xử phạt như thế nào? Đây là câu hỏi của bạn Hồ Thanh Nga ở Bình Dương.
Ảnh minh họa
Về vấn đề của bạn Thanh Nga, Ban biên tập THƯ KÝ LUẬT có giải đáp như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 24 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã thì hành vi mượn chứng minh nhân dân cũng như các giấy tờ liên quan để đi công chứng, chứng thực hồ sơ xin việc là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng về hành vi Làm giả giấy tờ để làm thủ tục yêu cầu chứng thực, cụ thể, Khoản 3 Điều 24 Nghị định 110/2013/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 24. Hành vi vi phạm quy định về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
…
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Làm giả giấy tờ để làm thủ tục yêu cầu chứng thực;
b) Làm giả bản sao có chứng thực;
…
Ngoài ra, bên cạnh việc bị phạt tiền thì cá nhân vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là hủy bỏ giấy tờ giả.
Bên cạnh đó, Nghị định 110/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 67/2015/NĐ-CP cũng quy định mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm khác về chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký như sau:
- Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung của bản chính để yêu cầu chứng thực bản sao; nội dung của giấy tờ, văn bản được dịch để yêu cầu chứng thực chữ ký người dịch.
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
+ Sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục yêu cầu chứng thực;
+ Sử dụng bản sao có chứng thực giả; giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực;
+ Yêu cầu chứng thực không được thực hiện ngay trong ngày hoặc trong ngày làm việc tiếp theo, nếu tiếp nhận yêu cầu sau 15 giờ hoặc quá hai ngày làm việc đối với trường hợp cùng một lúc yêu cầu chứng thực nhiều loại giấy tờ, văn bản, bản chính có nhiều trang, yêu cầu số lượng nhiều bản sao, nội dung giấy tờ phức tạp khó kiểm tra, đối chiếu hoặc không có thỏa thuận khác bằng văn bản về thời gian với người yêu cầu chứng thực;
+ Chứng thực ngoài trụ sở của tổ chức thực hiện chứng thực mà người yêu cầu chứng thực chữ ký không thuộc diện già yếu, không thể đi lại được, đang bị tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác;
+ Từ chối chứng thực không thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 22 và Điều 25 Nghị định 23/2015/NĐ-CP; từ chối chứng thực nhưng không giải thích rõ lý do bằng văn bản cho người có yêu cầu chứng thực;
+ Không bố trí người tiếp nhận yêu cầu chứng thực các ngày làm việc trong tuần; không niêm yết công khai lịch làm việc, thẩm quyền, thủ tục, thời gian giải quyết, phí, chi phí chứng thực tại trụ sở của tổ chức thực hiện chứng thực”.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu theo đúng quy định; không ghi lời chứng vào trang cuối của bản sao có từ 02 (hai) trang trở lên; không đóng dấu giáp lai đối với bản sao, giấy tờ, văn bản mà người yêu cầu chứng thực đã ký có từ 02 (hai) tờ trở lên;
+ Chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực không ký trước mặt người thực hiện chứng thực;
+ Thực hiện chứng thực không ghi lời chứng hoặc ghi lời chứng không đúng mẫu lời chứng ban hành kèm theo Nghị định 23/2015/NĐ-CP;
+ Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác từ người yêu cầu chứng thực ngoài phí chứng thực và chi phí cho việc chứng thực đã được niêm yết;
+ Không lập sổ chứng thực; sổ chứng thực lập không đúng theo mẫu quy định; không quản lý sổ chứng thực; sổ chứng thực không được viết liên tiếp theo thứ tự từng trang, bỏ trống trang; không đóng dấu giáp lai từ trang đầu đến trang cuối của sổ chứng thực; không khóa sổ và thống kê tổng số việc chứng thực khi hết năm; chưa có xác nhận, ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu của người ký chứng thực khi khóa sổ chứng thực; số ghi trong bản chứng thực không tương ứng với số chứng thực đã ghi trong sổ chứng thực;
+ Không lưu trữ sổ chứng thực; không lưu trữ giấy tờ, văn bản đã chứng thực chữ ký trong thời hạn lưu trữ 02 năm trừ trường hợp chứng thực chữ ký của người tiến hành giám định trong văn bản kết luận giám định tư pháp;
+ Không thực hiện báo cáo thống kê số liệu về chứng thực theo định kỳ 6 tháng và hàng năm;
+ Chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch trừ các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 24 Nghị định 23/2015/NĐ-CP hoặc trường hợp pháp luật có quy định khác;
+ Chứng thực chữ ký có liên quan đến tài sản, lợi ích của bản thân mình hoặc của những người thân thích là vợ hoặc chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể; ông, bà; anh chị em ruột, anh chị em ruột của vợ hoặc chồng; cháu là con của con đẻ, con nuôi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký mà không thực hiện ghi vào sổ chứng thực theo quy định;
+ Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản đã bị tẩy xóa, sửa chữa, thêm, bớt nội dung không hợp lệ; bản chính bị hư hỏng, cũ nát, không xác định được nội dung;
+ Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp, công chứng hoặc chứng nhận mà chưa được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi, có lại;
+ Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản đóng dấu mật của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc không đóng dấu mật nhưng ghi rõ không được sao chụp;
+ Chứng thực chữ ký trong trường hợp giấy tờ văn bản có nội dung trái pháp luật, đạo đức xã hội; tuyên truyền, kích động chiến tranh, chống chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam; xuyên tạc lịch sử của dân tộc Việt Nam; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức; vi phạm quyền công dân;
+ Chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ, văn bản do cá nhân tự lập nhưng không có xác nhận và đóng dấu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
+ Chứng thực chữ ký trong trường hợp tại thời điểm chứng thực, người yêu cầu chứng thực không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình;
+ Chứng thực chữ ký trong trường hợp người yêu cầu chứng thực xuất trình bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu không còn giá trị sử dụng.
Nguyễn Trinh