Chủ tịch UBND huyện không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động?

Liên quan đến thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể, Dự thảo Luật sửa đổi của Bộ luật lao động (vẫn đang trong giai đoạn lấy ý kiến góp ý) đã xóa bỏ thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, thay vào đó là Hội đồng trọng tài lao động.

 

Theo quy định hiện hành tại Điều 203 Bộ luật Lao động 2012, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm:

  • Hoà giải viên lao động;
  • Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện).
  • Toà án nhân dân.

Thế nhưng tại Dự thảo Luật sửa đổi Bộ luật lao động, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền đã bỏ đi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện. Vậy, nếu xóa bỏ đi thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thì có thực sự phù hợp?

Hình ảnh minh họa

Theo như nội dung được đưa ra thảo luận lấy ý kiến về Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012: “Việc cơ quan hành chính tham gia trong vấn đề giải quyết tranh chấp lao động tập thể có thực sự phát huy được vai trò, hay mang tính triệt tiêu quá trình thương lượng, hòa giải tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động”.

Hầu hết ý kiến cho rằng, không nên để cơ quan hành chính can thiệp vào quan hệ lao động giữa người người lao động và người sử dụng lao động, bởi nó triệt tiêu quá trình thương lượng hòa giải tranh chấp giữa hai bên. Sự tham gia của người đứng đầu huyện là Chủ tịch huyện đôi khi tạo nên thuận lợi về mặt an ninh trật tự, doanh nghiệp có thể nhanh chóng ổn định hoạt động sản xuất của mình. Nhưng khi can thiệp trực tiếp bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì còn bất cập.

Theo Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thành viên Ban soạn thảo cho rằng: “Các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền có vai trò đại diện cho nhà nước tham gia dẫn dắt, hỗ trợ đưa ra các thiết chế xã hội. Nếu như dùng cơ quan hành chính can thiệp vào quan hệ tranh chấp thì nó sẽ triệt tiêu những mặt tích cực trong vấn đề thương lượng, thỏa thuận. Ví dụ, khi các cơ quan quản lý nhà nước xuống, ai cũng biết chính quyền đang đứng về phía người lao động và người sử dụng lao động thường đứng ra thỏa hiệp và triệt tiêu thương lượng, đối thoại".

Thực tế, khi xảy ra đình công, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm đến Ban quản lý Khu công nghiệp. Nếu Không giải quyết được, Ban quản lý Khu lại tìm đến công đoàn cấp trên chứ ít khi tìm đến Chủ tịch UBND huyện. Có thể thấy vai trò của Chủ tịch UBND huyện đã bị lãng quên, chưa thực sự được phát huy.

Do đó, tại Điều 203  Dự thảo Luật sửa đổi của Bộ luật lao động đã đề xuất bỏ đi thẩm quyền của chủ tịch UBND huyện khi tham gia giải quyết tranh chấp lao động ở doanh nghiệp. Thế chỗ cho vị trí của Chủ tịch UBND huyện là Hội đồng trọng tài lao động.

Hội đồng trọng tài lao động do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, gồm Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thư ký Hội đồng và các thành viên là đại diện công đoàn cấp tỉnh, tổ chức đại diện người sử dụng lao động. Số lượng thành viên Hội đồng trọng tài lao động là số lẻ và không quá 07 người.

Theo đó, việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền của Hội đồng trọng tài được quy định như sau:

  • Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền, Hội đồng trọng tài lao động phải tiến hành giải quyết tranh chấp lao động.
  • Tại phiên họp giải quyết tranh chấp lao động phải có đại diện của hai bên tranh chấp. Trường hợp cần thiết, Hội đồng trọng tài lao động mời đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự phiên họp.
  • Hội đồng trọng tài lao động căn cứ vào pháp luật về lao động, thoả ước lao động tập thể, nội quy lao động đã được đăng ký và các quy chế, thoả thuận hợp pháp khác để xem xét giải quyết tranh chấp lao động. Trường hợp tranh chấp lao động xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của một trong các bên hoặc tranh chấp về quyền công đoàn thì Hội đồng trọng tài lao động kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử phạt, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bồi thường.
    ​Trường hợp tranh chấp lao động xuất phát từ việc diễn giải khác nhau các nội dung trong thỏa ước lao động tập thể hoặc các quy định nội bộ khác thì Hội đồng trọng tài ra quyết định giải quyết độc lập.
  • Trong trường hợp các bên có bằng chứng chứng minh quyết định của Hội đồng trọng tài lao động vi phạm các nguyên tắc về giải quyết tranh chấp lao động hoặc quá thời hạn mà Hội đồng trọng tài không giải quyết thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết hoặc tiến hành các thủ tục để đình công theo quy định pháp luật.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1389 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;