Ngày 20/11/2019, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật lao động 2019 với nhiều nội dung lần đầu tiên được quy định. Theo đó, định nghĩa về hành vi “phân biệt đối xử trong lao động” là một trong những nội dung mới rất đáng chú ý tại Bộ luật này.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo khoản 8 Điều 3 Bộ luật lao động 2019, hành vi phân biệt đối xử trong lao động được định nghĩa như sau:
“8. Phân biệt đối xử trong lao động là hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có tác động làm ảnh hưởng đến bình đẳng về cơ hội việc làm hoặc nghề nghiệp.
Việc phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên xuất phát từ yêu cầu đặc thù của công việc và các hành vi duy trì, bảo vệ việc làm cho những người lao động dễ bị tổn thương thì không bị xem là phân biệt đối xử..”
Trước đây, tại Bộ luật lao động 2012 có nhắc tới hành vi phân biệt đối xử nhưng chưa có một định nghĩa cụ thể mà rải rác tại một số điều khoản với tư cách là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, chẳng hạn như:
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn.”
Và tại Khoản 2 Điều 57 về Quyền và nghĩa vụ của bên thuê lại lao động:
“2. Không được phân biệt đối xử về điều kiện lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình.”
Như vậy, với việc chính thức đưa định nghĩa hành vi Phân biệt đối xử trong lao động vào Bộ Luật lao động 2019, sắp tới, người lao động, người sử dụng lao động sẽ có căn cứ điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp, đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền cũng sẽ có căn cứ rõ ràng để xác định hành vi vi phạm và xử lý theo quy định pháp luật.
Nội dung chi tiết các điểm mới xem tại Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ 01/01/2021.
Toàn Trung