Chính sách pháp luật dành cho lao động nữ

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Thư Ký Luật trân trọng giới thiệu một số chính sách pháp luật dành cho lao động nữ nhằm giúp chị, em nắm bắt để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình.

Được nghỉ 30 phút khi “đến tháng”

Điều 7 Nghị định 85/2015/NĐ-CP có quy định: Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ 30 phút/ngày, tối thiểu là 03 ngày/tháng. Thời gian nghỉ cụ thể sẽ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động tùy vào điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. 

Thời gian nghỉ hành kinh lao động nữ vẫn được hưởng đầy đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Theo đó, doanh nghiệp nếu không cho lao động nữ nghỉ trong thời gian hành kinh nghỉ theo quy định thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng (Khoản 1, Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Nghỉ 60 phút trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Theo quy định, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Tùy theo điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động mà lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ.

 Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Trường hợp doanh nghiệp không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ ngơi thì sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (Khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Được khám chuyên khoa phụ sản 06 tháng/lần

Điều 152 Bộ luật Lao động 2012 quy định, hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Riêng lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản theo Danh mục khám chuyên khoa phụ sản ít nhất 06 tháng/lần.

Chế độ nghỉ thai sản cho lao động nữ

Theo quy định, lao động nữ khi mang thai sẽ được hưởng chế độ như sau:

  • Nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng;
  • Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng;
  • Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng;
  • Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định nêu trên nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.

Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản đã nêu, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng. Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Hỗ trợ lao động nữ nuôi dạy con, gửi trẻ

Pháp luật lao động quy định người sử dụng lao động tùy vào điều kiện cụ thể mà xây dựng phương án, kế hoạch giúp đỡ, hỗ trợ, xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo đối với lao động nữ có con trong độ tuổi gửi trẻ, mẫu giáo bằng tiền mặt hoặc hiện vật. Mức và thời gian hỗ trợ do người sử dụng lao động thỏa thuận với đại diện lao động nữ.

Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng hoặc tạm hoãn hợp đồng

Theo quy định, lao động nữ mang thai khi có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chứng nhận rằng nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi thì có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động kèm theo xác nhận của bệnh viện. 

Không bị xử lý kỷ luật lao động nữ khi mang thai

Điều 123 Bộ luật Lao động 2012 đưa ra nguyên tắc không xử lý kỷ luật đối với lao động nữ trong 02 trường hợp sau:

  • Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản;
  • Lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 12 tháng.

Theo đó, doanh nghiệp nếu xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ trong 02 trường hợp nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng (Khoản 2 Điều 18 Nghị định 95/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, theo Điều 162 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), việc sa thải trái pháp luật đối với phụ nữ mang thai, người đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi gây hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 - 03 năm.

Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế

Điều 21 Thông tư 78/2014/TT-BTC có quy định: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xây dựng, vận tải sử dụng từ 10 - 100 lao động nữ, trong đó số lao động nữ chiếm > 50% tổng số lao động có mặt thường xuyên hoặc sử dụng thường xuyên trên 100 lao động nữ mà số lao động nữ chiếm > 30% tổng số lao động có mặt thường xuyên của doanh nghiệp thì doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tương ứng với số tiền thực chi thêm cho lao động nữ theo hướng dẫn tại tiết a điểm 2.9 Khoản 2 Điều 6 của Thông tư 78 này nếu hạch toán riêng được.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
3746 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;