Xin hỏi chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được pháp luật quy định cụ thể như thế nào? - Xuân Uyên (Quảng Trị)
- 17 hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
- Các hình thức NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị định 61/2015/NĐ-CP thì người lao động là người dân tộc thiểu số; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ:
(1) Hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết gồm:
- Học phí đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
- Tiền ăn trong thời gian thực tế học;
- Chi phí đi lại (01 lượt đi và về) từ nơi cư trú đến địa điểm đào tạo từ 15 km trở lên hoặc từ 10 km trở lên đối với người lao động cư trú hợp pháp tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Riêng người lao động thuộc các huyện nghèo được hỗ trợ thêm tiền ở và đồ dùng cá nhân thiết yếu.
(2) Hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, thị thực, khám sức khoẻ, lý lịch tư pháp trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(3) Hỗ trợ giải quyết rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
(4) Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề trong trường hợp nước tiếp nhận yêu cầu.
Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Hình từ internet)
Chính sách hỗ trợ vay vốn đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Căn cứ quy định tại Điều 11 Nghị định 61/2015/NĐ-CP thì người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội theo quy định của pháp luật.
Người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm theo quy định tại Mục 3 Chương V Nghị định 61/2015/NĐ-CP, đơn cử như:
- Mức vay vốn:
+ Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay tối đa là 02 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.
+ Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng.
+ Mức vay cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
- Thời hạn vay vốn: Thời hạn vay vốn tối đa 120 tháng. Thời hạn vay vốn cụ thể do Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
- Lãi suất vay vốn:
+ Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo
+ Đối với người lao động, lãi suất vay vốn bằng 50% lãi suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh.
+ Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất vay vốn tương ứng với từng đối tượng nêu trên.
Mai Thanh Lợi