Chế độ 8 “Được” và 3 “Không” dành cho lao động nữ mang thai

Theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ khi mang thai được hưởng khá nhiều chế độ và quyền lợi. Cụ thể như sau:

 

1. Hưởng trợ cấp thai sản lên đến 2,78 triệu đồng

Lao động nữ sinh con được hưởng trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở. Kể từ ngày 01/7/2018, mức lương cơ sở được nâng lên thành 1,39 triệu đồng/tháng (tăng 90 nghìn đồng). Do đó, mức trợ cấp thai sản cũng tăng thêm 180 nghìn đồng.

Trường hợp chỉ có chồng tham gia BHXH thì chồng vẫn được hưởng mức trợ cấp trên khi vợ sinh con với điều kiện phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

2. Được nghỉ khám thai 5 ngày

Cụ thể, lao động nữ mang thai được nghỉ để khám thai 05 lần mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám chữa bệnh hoặc có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì mỗi lần khám được nghỉ 02 ngày.

Nghỉ khám thai theo quy định này vẫn được hưởng lương.

3. Được giảm bớt 01 giờ làm việc/ngày mà vẫn hưởng nguyên lương

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, được chuyển làm công việc nhẹ hơn hoặc được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà vẫn hưởng đủ lương.

4. Được nghỉ tối đa 50 ngày trong trường hợp sẩy thai

Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tùy trường hợp mà thời gian nghỉ khác nhau nhưng tối đa không quá 50 ngày.

5. Được nghỉ thai sản 06 tháng

Trong đó, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.

6. Chồng được nghỉ khi vợ sinh con

Chồng đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản 05 ngày khi vợ sinh thường; 07 ngày khi sinh phẩu thuật, sinh non; 10 ngày khi vợ sinh đôi và  cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày; 14 ngày khi vợ sinh đôi phẩu thuật.

7. Được đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ 06 tháng

Với điều kiện:

  • Sau khi đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng;

  • Phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý.

Ngoài tiền lương, lao động nữ đi làm trong trường hợp này vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn.

8. Được nghỉ dưỡng sức khi đi làm lại

Lao động nữ đi làm lại sau thời gian nghỉ thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi  thì được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày nếu sinh một lần từ hai con trở lên; 07 ngày nếu phẫu thuật; 05 ngày đối với các trường hợp khác và được hưởng lương bằng 30% mức lương cơ sở.

Ngoài ra, trong thời gian mang thai, người lao động sẽ không:

1. Không phải làm thêm giờ, làm ban đêm và đi công tác xa

Áp dụng đối với người mang thai từ tháng thứ 07 hoặc từ tháng thứ 06 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

2. Không bị xử lý kỷ luật lao động

Người lao động chỉ có thể xử lý kỷ luật đối với lao động nữ mang thai khi hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi và thời hiệu xử lý kỷ luật vẫn còn hoặc tối đa 60 ngày trong trường hợp kéo dài thời hiệu.

3. Không bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động với người đang mang thai, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Nội dung trên căn cứ vào Bộ luật Lao động 2012Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
4292 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;