Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi vẫn đang trong thời gian lấy ý kiến thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Một trong những nội dung quan trọng tại Dự thảo này là quy định sửa đổi, bổ sung về hợp đồng lao động.
Ảnh minh họa
Cụ thể, theo Dự thảo, hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về công việc phải làm, tiền lương, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Các thỏa thuận khác có nội dung thể hiện về công việc phải làm, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên được xác định là hợp đồng lao động. (Đây là nội dung mới được bổ sung tại Dự thảo).
Về hình thức của hợp đồng lao động, kế thừa quy định hiện hành, Dự thảo quy định, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản; trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.
Bên cạnh đó, Dự thảo cũng quy định, hợp đồng lao động được giao kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là hợp đồng lao động bằng văn bản. (Đây là quy định mới được bổ sung tại Dự thảo).
Cũng theo Dự thảo, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 01 tháng, trừ trường hợp sửa dụng người lao động là người dưới 15 tuổi và người giúp việc gia đình. (Theo quy định hiện hành thì các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói đối với hợp đồng có thời hạn dưới 03 tháng).
Như vậy, có thể thấy, Dự thảo đã siết chặt hơn quy định về hình thức đối với hợp đồng lao động so với Bộ luật Lao động 2012.
Nguyễn Trinh