Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Bổ sung công việc có yêu cầu nghiêm ngặt an toàn vệ sinh LĐ từ 05/10/2020 (Hình minh họa)
Theo đó, ban hành kèm theo Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH là danh mục 32 công việc yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, ngoài các công việc đã được ban hành tại Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH ra và bỏ bớt một số công việc thì Thông tư 06 đã bổ sung thêm các công việc dưới đây có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể:
-
Vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa, tháo dỡ, kiểm tra, giám sát hoạt động các máy, thiết bị gồm: máy mài, cắt, tạo nhám bê tông; máy phá dỡ đa năng; máy khoan cầm tay; trạm trộn bê tông.
-
Trực tiếp lắp ráp, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, vệ sinh các loại kích thủy lực; máy đánh bóng, đánh nhám, băng chuyền, băng tải, súng bắn nước, súng khí nén; máy in công nghiệp.
-
Công việc trên mặt nước, trên các nhà giàn, giám thị lặn; đóng máy, thiết bị trong hầm tàu, phương tiện thủy.
-
Công việc tiếp xúc phóng xạ, hạt nhân; vận hành máy soi, chiếu, chụp có sử dụng bức xạ hạt nhân, điện từ trường.
-
Công việc tiếp xúc điện từ trường tần số cao ở dải tần số từ 3KHz trở lên.
-
Điều tra quy hoạch rừng
-
Các công việc xây dựng gồm: Giám sát thi công; khảo sát xây dựng; vận hành, chạy thử công trình.
-
Các công việc vận hành trạm nạp ắc quy, sửa chữa, bảo dưỡng ắc quy.
-
Trực tiếp vận hành tàu hỏa, tàu điện; lái, sửa chữa, bảo hành xe ô tô các loại.
-
Trực tiếp sản xuất, chế biến vật liệu xây dựng, sành, sứ, thủy tinh, nhựa.
-
Cứu hộ, cứu nạn chuyên nghiệp.
-
Trực tiếp sản xuất, chế biến da, lông vũ; công việc nhuộm; chế biến tơ tằm.
-
Trực tiếp làm công việc chặt, cưa, xẻ gỗ, khai thác, chế biến gỗ công nghiệp; bốc xếp thủ công thường xuyên vật nặng từ 30 kg trở lên.
-
Trực tiếp nấu, chế biến thực phẩm tại các bếp ăn tập thể từ 300 suất ăn một ngày trở lên.
-
Khám, chữa bệnh; chăm sóc người khuyết tật, người bệnh; giải phẫu bệnh, giám định pháp y, xét nghiệm vi sinh vật; các công việc trong lĩnh vực dược phẩm.
-
Kiểm nghiệm, sản xuất thuốc thú y; giữ giống bảo tồn gien, chủng vi sinh vật, ký sinh trùng; diệt khuẩn, khử trùng môi trường; kiểm định thực phẩm, khử trùng.
-
Trực tiếp giết mổ động vật, chăm sóc, chăn nuôi các động vật lớn trong cơ sở sản xuất kinh doanh; nuôi huấn luyện chó nghiệp vụ, các loại thú dữ, rắn, cá sấu và tiêu hủy các động vật dịch.
-
Trực tiếp vận hành máy bơm xăng, dầu, khí hóa lỏng; sửa chữa bồn, bể xăng, dầu, giao, nhận, bán buôn, bán lẻ xăng dầu.
-
Trực tiếp chế biến mủ cao su, nhựa thông.
-
Trực tiếp vận hành sản xuất, chế biến bia, rượu, nước giải khát, thuốc lá, dầu ăn, bánh kẹo, sữa.
-
Diễn viên xiếc, xiếc thú; vận động viên chuyên nghiệp, huấn luyện viên thể dục, thể thao chuyên nghiệp.
-
Làm việc với các thiết bị màn hình máy tính bao gồm: kiểm soát không lưu, điều hành, điều khiển từ xa thông qua màn hình.
-
Trực tiếp làm hỏa táng, địa táng.
-
Các công việc đặc thù trong lĩnh vực quân sự thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
-
Trực tiếp vận hành máy có động cơ trong nông nghiệp gồm: máy tuốt, máy gặt, máy bừa, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy bơm nước.
Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 140/2018/NĐ-CP quy định Nhóm 3 - Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thuộc đối tượng tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 18 và Khoản 3 Điều 19 Nghị định 44/2016/NĐ-CP quy định về nội dung, thời gian huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động đối với nhóm 3 như sau:
Nội dung huấn luyện:
- Hệ thống chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Kiến thức cơ bản về an toàn, vệ sinh lao động: Chính sách, chế độ về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc và phương pháp cải thiện điều kiện lao động; chức năng, nhiệm vụ của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; nội quy an toàn, vệ sinh lao động, biển báo, biển chỉ dẫn an toàn, vệ sinh lao động và sử dụng thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nghiệp vụ, kỹ năng sơ cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp;
- Nội dung huấn luyện chuyên ngành: Kiến thức tổng hợp về máy, thiết bị, vật tư, chất phát sinh các yếu tố nguy hiểm, có hại và phương pháp phân tích, đánh giá, quản lý rủi ro liên quan đến công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mà người được huấn luyện đang làm; quy trình làm việc an toàn, vệ sinh lao động; kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến công việc của người lao động.
Thời gian huấn luyện: Tổng thời gian huấn luyện cho nhóm 3 ít nhất là 24 giờ, bao gồm cả thời gian kiểm tra.
Vậy kể từ ngày 05/10/2020, người lao thộng tham gia vào các công việc mới kể trên bắt buộc phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo Nghị định 44/2016/NĐ-CP.
Chi tiết xem tại Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH, có hiệu lực từ 05/10/2020, thay thế Thông tư 13/2016/TT-BLĐTBXH.
Lê Hải
- Từ khóa:
- Thông tư 06/2020/TT-BLĐTBXH