Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động trong đó thể hiện sự cần thiết của việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động cũng như đưa ra các nội dung có sự nhiều ý kiến khác nhau trong qua trình soạn thảo. Cụ thể:
Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
Theo quy định tại Điều 37 BLLĐ 2012 thì người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi đảm bảo các điều kiện về lý do nghỉ được BLLĐ quy định và tuân thủ thời hạn báo trước (trừ trường hợp là hợp đồng lao động không xác định thời hạn chỉ cần đảm bảo quy định về thời hạn, không yêu cầu lý do.
Đối với vấn đề này thì có ý kiến vẫn giữ nguyên quy định nêu trên, có ý kiến rằng nên bỏ quy định việc phải có lý do, người lao động có thể nghỉ vì bất cứ lí do gì chỉ cần tuân thủ thời hạn báo trước là được để đảm bảo quyền lựa chọn việc làm tốt hơn cho người lao động và phòng chống cướng bức lao động.
Chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu
BLLĐ 2012 tại khoản 4 Điều 36 về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động khi đảm bảo 02 điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng bảo hiểm. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc bố trí sản xuất cũng như có thề vi phạm pháp luật vì lao động cấm sử dụng lao động trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Do vậy, trong quá trình soạn thảo đã đưa ra hai phương án, một là bỏ quy định trên, hai là giữ quy định này nhưng bổ sung thêm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động nếu người lao động đủ tuổi lao động.
Mức lương tối thiểu
BLLĐ quy định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình cúa họ. Tuy nhiên, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu trên thực tế rất khó định lượng, đồng thời mức lương tối thiểu hiện nay cũng chưa thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động cũng như gia đình của họ.
Trong quá trình soạn thảo đã có ý kiến đề xuất sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo mức sống tối thiểu và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng tiền lương quốc gia nghiên cứu đề xuất.
Tăng thời giờ làm thêm
Thời giờ làm thêm tối đa được quy định tại BLLĐ không quá 30 giờ/tuần và không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật lao động đã đề xuất tăng thời giờ làm thêm bởi một số lý do sau:
- Đáp ứng nhu cầu của đa số doanh nghiệp;
- Đáp ứng nhu cầu của một bộ phận không nhỏ người lao động có nguyện vọng làm thêm để tăng thu nhập;
- Tăng tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực.
Dự thảo Luật hiện đang thể hiện 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu như sau:
- Phương án 1: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 600 giờ/năm;
- Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/ ngày và không quá 05 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Tăng tuổi nghỉ hưu
Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là 60 đối với nam và 55 đối với nữ. Tăng tuổi nghỉ hưu là một nội dung lớn từng được đưa ra nhiều lần trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được thông qua: Luật Bình đẳng giới 2006, BLLĐ 2012 và Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
Hiện rất nhiều ý kiến tranh cãi về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Với ý kiến không đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu đưa ra lý do rằng hiện nay có một lượng lớn người lao động trẻ (sinh viên mới ra trường) rơi vào cảnh thất nghiệp. Nếu tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu thì khó có cơ hội đối với những lao động trên, việc giải quyết đối với những lao động thất nghiệp như thế nào... Còn đối với những ý kiến đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu thì việc tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới có nước lên tới 67 tuổi; tuổi thọ trung bình của nước ta đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây; dân số nước ta đang chuyển từ thời ký dân số vàng sang già hóa dân số; trường hợp nếu cứ giữ độ tuổi nghỉ hưu như bây giờ thì quỹ hưu trí và tử tuất không đảm bảo dài hạn...
02 phương án được đề xuất, một là giữ nguyên như hiện hành là nam 60 tuổi và nữ là 55 tuổi; hai là tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam và 58 đối với nữ, tăng theo lộ trình mỗi năm tăng 03 tháng để đảm bảo tăng tuổi nghỉ hưu không gây xáo trộn mạnh đến việc bố trí và sử dụng lao động.