Doanh nghiệp có được dựa vào việc chậm cung cấp, cung cấp thiếu hồ sơ nhân sự mà giam lương của người lao động không? Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021 quy định như thế nào về vấn đề này? Bài viết này sẽ làm rõ vấn đề trên.
- Bộ luật Lao động 2019: Thêm một khoảng thời gian không dùng để tính trợ cấp thôi việc
- CBCCVC và người lao động sử dụng giấy khám sức khỏe giả sẽ bị đuổi việc
- Từ năm 2021, quy định về nghỉ hưu, lương hưu có nhiều thay đổi
Bộ luật Lao động 2019: Giam lương NLĐ chưa nộp đủ hồ sơ có đúng luật? (Ảnh minh họa)
Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Tiền lương trả cho người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu quy định và trả theo nguyên tắc sau (Điều 94, Bộ luật Lao động 2019):
-
Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp;
-
Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của bất kỳ đơn vị nào.
Pháp luật lao động quy định cụ thể kỳ hạn trả lương tại Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động như sau:
-
Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần: được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp theo thỏa thuận của hai bên nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần;
-
Người lao động hưởng lương theo tháng: được trả tháng/lần hoặc nửa tháng/lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ;
-
Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán: được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày; nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi người sử dụng lao động mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ được chậm thanh toán tiền lương cho người lao động tối đa 30 ngày vì lý do bất khả kháng mà doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp cũng không thể khắc phục. Sự kiện bất khả kháng theo Bộ luật Dân sự 2015 được hiểu là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Như vậy, việc doanh nghiệp sử dụng lý do người lao động chưa cung cấp đủ hồ sơ nhân sự để chậm trả lương cho người lao động là hoàn toàn trái quy định của pháp luật, dù việc này có được thỏa thuận theo hợp đồng lao động/hợp đồng thử việc hay không. Trường hợp người sử dụng lao động chậm trả lương trái quy định, người lao động có thể khiếu nại trực tiếp đến người sử dụng lao động hoặc cơ quan quản lý nhà nước về lao động ở địa phương để được giải quyết.
Hoa Hồng
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019