Trả lương luôn là vấn đề được nhiều người lao động quan tâm, vì đây là giá trị cốt yếu của quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Vậy, Bộ Luật lao động 2019 có quy định gì mới về việc trả lương cho người lao động?
- Người lao động đã nghỉ hưu vẫn tiếp tục làm việc cần lưu ý điều gì?
- NLĐ được thưởng tết, lương tháng 13 có phải đóng thuế TNCN?
- Nghỉ việc ngang, người lao động có được hưởng trợ cấp thất nghiệp không?
Bộ luật Lao động 2019: 04 điểm mới về trả lương cho người lao động (Ảnh minh họa)
Theo đó, từ ngày Bộ luật Lao động 2019 chính thức có hiệu lực (vào 01/01/2021), việc trả lương cho người lao động có 04 điểm mới quan trọng sau đây:
Thứ nhất, có 03 căn cứ để người sử dụng lao động trả lương cho người lao động là tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Thứ hai, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động bằng tiền Đồng Việt Nam, trường hợp người lao động là người nước ngoài tại Việt Nam thì có thể bằng ngoại tệ.
Thứ ba, mỗi lần trả lương, người sử dụng lao động phải thông báo bảng kê trả lương cho người lao động, trong đó ghi rõ tiền lương, tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc vào ban đêm, nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có).
Thứ tư, người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương trong trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
Nếu như 3 nội dung đầu hoàn toàn là điểm mới, lần đầu tiên được ghi nhận tại Bộ luật Lao động 2019, thì việc người sử dụng lao động phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương là quy định sửa đổi. Theo đó, tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.
Với việc Bộ luật Lao động 2012 quy định như trên thì việc xác định người trả các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản có thể thỏa thuận lại nhưng với quy định sửa đổi tại Bộ Luật lao động 2019 thì người trả các chi phí này được xác định là người sử dụng lao động. Đây cũng được xem là một quy định có lợi cho người lao động.
Bên cạnh những điểm mới nêu trên, việc trả lương cho người lao động vẫn tuân thủ theo những nguyên tắc sau đây:
- Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Theo đó, mức lương tối thiểu vùng hiện hành theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP là:
-
4.420.000 đồng/tháng: vùng I;
-
3.920.000 đồng/tháng: vùng II;
-
3.430.000 đồng/tháng: vùng III;
-
3.070.000 đồng/tháng: vùng IV.
- Việc trả lương cho người lao động phải đảm bảo trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn.
- Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động cũng như không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của mình hoặc của đơn vị khác mà mình chỉ định. Đây cũng là một quy định mới tại Bộ Luật lao động 2019.
Trên đây là những điểm mới về trả lương cho người lao động mà cả người lao động và người sử dụng lao động cần lưu ý kể từ ngày Bộ Luật lao động 2019 có hiệu lực thì hành, thay thế Bộ Luật lao động 2012.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Bộ luật Lao động 2019