Đây là một trong hai phương án được Bộ Lao động thương binh và xã hội đề xuất để lấy ý kiến tại dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) lần 2. Tại Dự thảo này có nhiều điểm thay đổi so với dự thảo lần 1.
Dự thảo đề xuất 02 phương án nghỉ hưu như sau:
- Phương án 1 là giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành. Cụ thể là tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là: nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
- Phương án 2 là sẽ tăng tuổi nghỉ hưu kể từ 01/01/2021 và tăng theo lộ trình: Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021 cứ mỗi năm tăng thêm 06 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Như vậy, so với dự thảo lần 1, thay vì áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu ngay khi luật có hiệu lực dự thảo lần 2 đề xuất chỉ áp dụng tăng tuổi nghỉ hưu từ ngày 01/01/2021. Thời gian tăng tuổi hưu cũng nhanh hơn. Theo đó từ năm 2021, với lao động trong điều kiện bình thường, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng (dự thảo lần 1: mỗi năm tăng 3 tháng), cho tới khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Ngoài ra, dự thảo lần 2 này có một số điểm khác so với dự thảo lần 1. Cụ thể:
- Lao động nữ vẫn được nghỉ 30 phút/ngày trong thời gian hành kinh, được nghỉ 60 phút/ngày trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi (dự thảo lần 1 đã đề xuất bỏ quy định này).
- Tăng tổng thời giờ làm thêm của người lao động lên 400 giờ/năm so với quy định hiện hành là 300 giờ/năm (dự thảo lần 1 đề xuất tổng thời giờ làm thêm trong năm là 600 giờ)