Trong năm 2020 sẽ có 05 chính sách lao động, tiền lương có hiệu lực thi hành, tác động trực tiếp đến mọi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Cụ thể gồm:
Ảnh minh họa
1. Tăng lương cơ sở lên mức 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020
Nghị quyết 86/2019/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 8, ngày 12/11/2019.
Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do NSNN đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công cách mạng tăng bằng mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2020.
Ngoài ra, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
2. Lương tối thiểu vùng tăng tối đa đến 240.000 đồng/tháng
Nghị định 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2020, lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ tăng từ 150.000 đồng/tháng đến 240.000 đồng/tháng tùy từng vùng so với lương tối thiểu vùng năm 2019. Cụ thể:
- Vùng I: 4.420.000 đồng/tháng, hiện hành là 4.180.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng).
- Vùng II: 3.920.000 đồng/tháng, hiện hành là 3.710.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng).
- Vùng III: 3.430.000 đồng/tháng, hiện hành là 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).
- Vùng IV: 3.070.000 đồng/tháng, hiện hành là 2.920.000 đồng/tháng (tăng 150.000 đồng/tháng).
Bên cạnh đó, từ ngày 01/01/2020 còn có sự thay đổi về vùng trong việc áp dụng lương tối thiểu vùng. Cụ thể:
- Huyện Đồng Phú thuộc tỉnh Bình Phước từ vùng III lên vùng II, Thành phố Bến Tre từ vùng IV lên vùng II và huyện Châu Thành thuộc tỉnh Bến Tre từ vùng III lên vùng II.
- Bổ sung các địa bàn sau từ Vùng IV lên Vùng III: Thị xã Cửa Lò và các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên thuộc tỉnh Nghệ An; Huyện Đông Sơn, Quảng Xương thuộc tỉnh Thanh Hóa; Các huyện Ba Tri, Bình Đại, Mỏ Cày Nam thuộc tỉnh Bến Tre.
3. Từ 01/01/2020, công chức ngành Ngân hàng có hệ số lương cao nhất đến 8,0
Thông tư 12/2019/TT-NHNN quy định về chức danh, mã số ngạch, tiêu chuẩn nghiệp vụ và cách xếp lương các ngạch công chức ngành ngân hàng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
Theo đó, công chức ngành ngân hàng gồm 6 chức danh: Kiểm soát viên cao cấp, Kiểm soát viên chính, Kiểm soát viên, Thủ kho, Thủ quỹ và Kiểm ngân.
Trong đó, Kiểm soát viên cao cấp là công chức loại A3 nhóm 1 (A3.1) có hệ số lương cao nhất đến 8,0. Từ ngày 01/7/2020, với việc điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2020 lên 1,6 triệu đồng/tháng thì mức lương của nhóm đối tượng này sẽ tăng lên 12,8 triệu đồng/tháng (hiện nay là 11,92 triệu đồng/tháng).
4. Không thực hiện tuyển dụng công chức ngạch kế toán viên sơ cấp từ 01/01/2020
Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 77/2019/TT-BTC quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2020.
Cụ thể, theo Thông tư này, từ ngày 01/01/2020, các cơ quan quản lý, sử dụng công chức không thực hiện việc tuyển dụng công chức ngạch kế toán viên sơ cấp, không thực hiện chuyển ngạch công chức sang ngạch kế toán viên sơ cấp.
Đối với những công chức hiện tại đang giữ ngạch kế toán viên sơ cấp (mã số 06.033) sẽ được thực hiện chuyển xếp ngạch mới trước ngày 01/01/2020 như sau:
- Công chức có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch kế toán viên trung cấp thì xem xét, quyết định bổ nhiệm vào ngạch kế toán viên trung cấp;
- Nếu chưa có bằng cao đẳng trở lên thì tiếp tục được hưởng theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 06 năm kể từ ngày 01/01/2020.
Trong thời hạn 06 năm kể từ ngày 01/01/2020, cơ quan sử dụng công chức có trách nhiệm bố trí công chức đi đào tạo để đáp ứng tiêu chuẩn của các ngạch công chức chuyên ngành kế toán theo quy định tại Thông tư 77.
5. Từ 01/7/2020, lương giáo viên được trả theo vị trí việc làm
Luật Giáo dục 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 14/6/2019 và chính thức có hiệu lực từ 01/7/2020. Theo đó, Điều 76 Luật Giáo dục 2019 quy định về tiền lương của giáo viên như sau:
Điều 76. Tiền lương
Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ.
Theo đó, giáo viên sẽ được trả lương theo vị trí việc làm, theo tính chất phức tạp của nghề nghiệp bắt đầu vào năm 2020, chính sách trả lương mới này đã thể hiện được tinh thần về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương.
Nguyễn Trinh