Năm 2020, các khoản được trừ vào tiền lương hàng tháng của người lao động bao gồm những khoản nào và mức trừ là bao nhiêu? Đây là câu hỏi của chị Nguyễn Tường Vy ở Đà Nẵng gửi cho Thư Ký Luật nhờ hỗ trợ.
05 khoản được trừ vào tiền lương hàng tháng của người lao động năm 2020 - Ảnh minh họa
Theo quy định hiện hành, tiền lương là là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác, tuy nhiên tiền lương hàng tháng này của người lao động có thể bị trừ bởi các khoản sau đây:
1. Bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ hưu trí và tử tuất
Căn cứ khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Khoản 1 Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH thì hàng tháng, người lao động phải đóng hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ hưu trí và tử tuất với tỷ lệ như sau:
- Những người lao động sau đây phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng bằng 8% mức tiền lương tháng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất:
+ Người làm việc theo HĐLĐ không xác định thời hạn, HĐLĐ xác định thời hạn, HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả HĐLĐ được ký kết giữa đơn vị với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động;
+ Người làm việc theo HĐLĐ có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng (thực hiện từ ngày 01/01/2018);
+ Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và viên chức;
+ Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đối với trường hợp BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân bàn giao cho BHXH tỉnh;
+ Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương;
+ Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP được áp dụng đối với hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- Đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì hằng tháng đóng bằng 8% mức lương cơ sở vào quỹ hưu trí và tử tuất.
- Đối với người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định 115/2015/NĐ-CP được áp dụng đối với hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và hợp đồng cá nhân thì mức đóng hằng tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đối với người lao động đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc; bằng 22% của 02 lần mức lương cơ sở đối với người lao động chưa tham gia BHXH bắt buộc hoặc đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng đã hưởng BHXH một lần.
2. Bảo hiểm thất nghiệp
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm 2013, hàng thàng, người lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương tháng đóng BHXH vào Quỹ BHTN.
3. Bảo hiểm y tế
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên; người quản lý doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và người quản lý điều hành hợp tác xã hưởng tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức bằng 4,5% tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng 2/3 (tương ứng với 3%), người lao động đóng 1/3 (tương ứng với 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH).
Như vậy, hàng tháng, người lao động sẽ đóng 1,5% tiền lương tháng đóng BHXH vào Quỹ Bảo hiểm y tế.
4. Đoàn phí
Theo quy định tại Điều 23 Quyết định 1908/QĐ-TLĐ, trường hợp người lao động có tham gia công đoàn thì mức đóng đoàn phí hàng tháng bằng 1% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.
5. Thuế thu nhập cá nhân
Hàng tháng, người lao động có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên có thể sẽ phải nộp thuế thu nhập cá nhân tùy thuộc vào các khoản được giảm trừ, miễn TNCN của người đó.
Lưu ý:
- Các khoản được giảm trừ khi tính thuế TNCN bao gồm:
-
Giảm trừ cho bản thân người nộp thuế
-
Giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc
-
Các khoản đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề
-
Khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học
-
…
- Theo Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14, mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN của người lao động áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 là:
-
11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm) đối với đối tượng nộp thuế;
-
4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc.
Trong năm 2020, đối với các tháng 1, 2, 3, 4, và 5, người nộp thuế đã tạm nộp thuế TNCN theo mức giảm trừ cũ (9 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc), khi thực hiện thủ tục quyết toán thuế vào đầu năm 2021, cơ quan thuế sẽ xác định lại đúng số thuế phải nộp theo mức giảm trừ mới tại Nghị quyết 954 (11 triệu đồng/tháng đối với đối tượng nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) và hoàn trả lại toàn bộ hoặc một phần cho người nộp thuế.
Nguyễn Trinh