05 chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022

Tăng thời gian làm thêm trong tháng, điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường, chế độ đối với viên chức quốc phòng thôi việc, hỗ trợ đào tạo nghề du lịch,... là những chính sách mới có hiệu lực thi hành từ tháng 04/2022.

05 chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022

05 chính sách mới về lao động, tiền lương có hiệu lực từ tháng 4/2022 (Ảnh minh họa)

1. Tăng thời gian làm thêm trong tháng lên 60 giờ/tháng

Có hiệu lực từ ngày 01/4/2022, Nghị quyết 17/2022/UBTVQH15 quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm, trong 1 tháng của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội như sau:

Trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Như vậy, quy định mới đã tăng thời gian làm thêm trong tháng từ 40 lên 60 giờ/tháng.

2. Điều chỉnh bảng lương công chức quản lý thị trường

Thông tư 02/2022/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 01/4/2022 hướng dẫn cụ thể về việc xếp lương đối với các ngạch công chức quản lý thị trường như sau:

- Ngạch Kiểm soát viên cao cấp thị trường (mã số 21.187) áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm 1 (A3.1), từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00;

- Ngạch Kiểm soát viên chính thị trường (mã số 21.188) áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm 1 (A2.1), từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78;

- Ngạch Kiểm soát viên thị trường (mã số 21.189) áp dụng bảng lương công chức loại Al, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

- Ngạch Kiểm soát viên trung cấp thị trường (mã số 21.190) áp dụng bảng lương công chức loại A0, từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89.

Hiện nay, mức lương cơ sở đang áp dụng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1,49 triệu đồng/tháng.

Do đó,  lương công chức quản lý thị trường sẽ dao động từ 3,129 - 11,92 triệu đồng/tháng.

3. Hỗ trợ đào tạo nghề du lịch

Có hiệu lực từ ngày 09/4/2022, Thông tư 12/2022/TT-BTC quy định hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch như sau:

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo;

- Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1.500.000 đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 06 tháng;

Trường hợp người lao động tham gia khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng theo quy định của cơ sở đào tạo nghề nghiệp thì số ngày lẻ được tính theo nguyên tắc: Từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 01 tháng.

4. Chế độ đối với viên chức quốc phòng thôi việc

Từ ngày 15/4/2022, chế độ, chính sách đối với công nhân và viên chức quốc phòng thôi việc được thực hiện theo Nghị định 19/2022/NĐ-CP, cụ thể như sau:

(1) Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và các chế độ khác (nếu có) theo quy định của pháp luật hiện hành.

(2) Được hưởng trợ cấp một lần, cứ mỗi năm công tác được trợ cấp bằng 01 tháng tiền lương của tháng liền kề trước khi thôi việc do cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng quản lý công nhân và viên chức quốc phòng trước khi thôi việc chi trả.

(3) Trường hợp công nhân, viên chức quốc phòng đã thôi việc về địa phương trong thời gian không quá 01 năm kể từ ngày quyết định thôi việc có hiệu lực thì thực hiện chế độ như sau:

- Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước: Được thực hiện chế độ chuyển ngành; hoàn trả khoản trợ cấp một lần và trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần (đã nhận).

- Nếu được tuyển dụng vào làm việc tại các doanh nghiệp, đơn vị không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà có nguyện vọng được bảo lưu thời gian đóng BHXH: Hoàn trả khoản trợ cấp BHXH một lần (đã nhận).

5. Bổ nhiệm, xếp lương giảng viên chỉ cần 01 chứng chỉ bồi dưỡng CDNN

Có hiệu lực từ ngày 19/4/2022, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT quy định mỗi giảng viên chỉ cần 01 loại chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp để được bổ nhiệm và xếp lương.

Cụ thể, quy định cho phép cả 3 hạng giảng viên sẽ cùng chung điều kiện “có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên”, trong đó:

- Đối với giảng viên giảng dạy tại các trường cao đẳng sư phạm công lập thì có chung điều kiện là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm.

- Đối với giảng viên giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học công lập thì có chung điều kiện là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

(So với hiện hành, bỏ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cho từng hạng)

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
444 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;