Từ ngày 01/01/2018 (Tết Dương lịch), có nhiều chính sách mới có hiệu lực thi hành. Thư Ký Luật xin gửi đến quý bạn đọc 04 chính sách nổi bật, cần lưu ý. Bao gồm như sau:
1. Người ngồi sau xe ô tô không thắt dây an toàn sẽ bị xử phạt.
Theo quy định tại Khoản 7 Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì bắt đầu từ ngày 01/01/2018, sẽ tiến hành xử phạt đối với 2 hành vi sau đây:
- Không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy;
- Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Mức phạt đối với từng hành vi này là từ 100.000 đến 200.000 đồng, theo quy định tại Điều 5 của Nghị định này.
2. Luật sư sẽ “ngang hàng” với Kiểm sát viên trong phiên tòa hình sự.
Thông tư 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án của Tòa án Nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
Trong đó, đáng chú ý là trong phiên Tòa hình sự, vị trí chỗ ngồi của Đại diện Viện kiểm sát và vị trí của Người bào chữa, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại và đương sự sẽ được đặt “ngang hàng” nhau.
Cụ thể như sau:
3. Mức lương hưu hàng tháng của lao động nữ có sự thay đổi rõ rệt.
Theo quy định tại Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì từ ngày 01/01/2018 mức hưởng lương hưu hàng tháng của lao động nữ sẽ được tính như sau:
- 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH bắt buộc.
- Sau đó, cứ mỗi năm thêm thì tính thêm 2% (trước ngày 01/01/2018 thì cứ thêm 1 đóng sẽ được tính thêm 3%) và mức hưởng tối đa là 75%.
Quy định này dẫn đến hệ quả, để được hưởng tối đa 75% lương hưu thì lao động nữ phải có 30 năm đóng BHXH (trước đó chỉ cần đóng tối đa là 25 năm).
4. Luật sư sẽ phải “tố giác” thân chủ của mình.
Từ ngày 01/01/2018, Bộ luật hình sự 2015 và Luật sửa đổi Bộ luật hình sự 2017 chính thức có hiệu lực. Có rất nhiều quy định được sửa đổi so với Bộ luật hình sự 1999, trong đó nổi bật là quy định tại Khoản 3 Điều 19 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi tại Luật sửa đổi BLHS 2017.
Cụ thể, người bào chữa sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu không tố giác các tội do chính người mình bào chữa gây ra, bao gồm:
- Tội phạm về xâm phạm an ninh Quốc gia;
- Các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Người bào chữa phải có trách nhiệm tố giác tội phạm trong các trường hợp trên trong giai đoạn đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc dã thực hiện hành vi phạm tội mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện việc bào chữa.