Thực trạng hệ thống Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam

Hệ thống báo cáo tài chính (BCTC) của doanh nghiệp Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần song bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu đặt ra vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm nhất định

Hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng cơ bản được yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước.

Hệ thống BCTC doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung được xây dựng trong môi trường pháp lý kế toán cơ bản ổn định.

Với sự ra đời của Luật Kế toán 2003 (sửa đổi năm 2015), đã tạo khung pháp lý cho hoạt động kế toán ở nước ta trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Luật đã thừa nhận hàng loạt các khái niệm, nguyên tắc kế toán và đã xác định “BCTC được lập theo chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán”. Thông tư 200/2014/TT-BTC với 26 chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) là những biểu hiện cụ thể về sự đồng bộ của hệ thống kế toán Việt Nam nói chung và hệ thống BCTC nói riêng.

Hệ thống BCTC của doanh nghiệp từng bước tiếp cận và hoà hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế.

Đó là sự ra đời của hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam, được xây dựng chủ yếu dựa trên chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS). Theo đó, BCTC cung cấp các thông tin về tình hình tài chính, kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng cho số đông người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.

Hệ thống BCTC hiện hành cơ bản phù hợp và đáp ứng sự phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam.

BCTC không phải phục vụ chủ yếu cho Nhà nước mà mà nguồn thông tin quan trọng các nhà đầu tư, ngân hàng, chủ nợ, đối tác và công chúng. Thông tin về luồng tiền là thông tin quan trọng trong xác định sức khoẻ về tài chính của doanh nghiệp. Ngoài ra, BCTC cũng thể hiện rõ các đối tượng và giao dịch của nền kinh tế thị trường.

Hệ thống BCTC doanh nghiệp hiện hành nhìn chung khá dễ hiểu và dễ thực hiện.

Phương pháp lập BCTC được hướng dẫn khá cụ thể và chi tiết, các chỉ tiêu trên BCTC không quá phức tạp, nhiều vấn đề liên quan đến nguồn lực tài chính, tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí… được thuyết minh khá đầy đủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện và đáp ứng cơ bản nhu cầu của các đối tượng sử dụng.

Bên cạnh đó hệ thống BCTC của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số hạn chế.

Cơ sở định giá, đặc điểm chất lượng và nguyên tắc lập BCTC chưa được quy định rõ ràng và đầy đủ, thiếu tính đồng bộ.

VAS 01 hầu như chỉ đưa ra nguyên tắc giá gốc dẫn đến trong nhiều trường hợp có thể làm cho BCTC không phản ánh trung thực và hợp lý giá trị hiện tại của các tài sản khi được đánh giá lại.

VAS 02 có đề cập đến nguyên tắc và yêu cầu lập và trình bày BCTC nhưng các quy định này chưa thể hiện được một cách thống nhất và cụ thể quy định về đặc điểm chất lượng của BCTC. Điều này có thể dẫn đến sự thiếu chú trọng về chất lượng của BCTC của các đối tượng có liên quan đến soạn thảo, trình bày và sử dụng thông tin trên BCTC. Ngoài ra, trong khi IAS yêu cầu “phải được thực hiện đồng thời” thì VAS lại quy định và giải thích các thứ bậc, bao gồm đặc điểm chất lượng cơ bản và đặc điểm chất lượng bổ sung.

Hệ thống BCTC cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt.

Việc đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin phù hợp của nhiều đối tượng sử dụng thông tin khác nhau chưa được chú trọng. VAS quy định một mô hình BCTC với cấu trúc và nội dung định sẵn cho các doanh nghiệp, điều này là không phù hợp với sự thay đổi không ngừng của các doanh nghiệp. Hướng dẫn chuẩn mực và chế độ kế toán Việt Nam quy định và hướng dẫn cụ thể, chi tiết việc xác định, sắp xếp, phân loại từng mục trên BCTC theo mẫu quy định trong khi IAS không áp đặt định dạng cố định.

Sự thiếu linh hoạt của hệ thống BCTC làm cho BCTC được thực hiện theo một khuôn mẫu nhất định. Điều này có thể làm cho những lợi ích mà BCTC mang lại cho nhà đầu tư, người cho vay, chủ nợ và nhiều người sử dụng trở nên không rõ ràng và mang nặng tính hình thức.

Hệ thống BCTC có một số nội dung, khoản mục chưa đầy đủ, chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Bao gồm các nội dung sau:

  • Báo cáo thay đổi vốn chủ sở hữu chưa được trình bày thành một báo cáo riêng.
  • Thu thập tổ hợp khác chưa được đề cập, dẫn đến sự thiếu toàn diện của Báo cáo khái quát hoạt động kinh doanh.
  • Quy định Biểu mẫu báo cáo một cách cứng nhắc, làm cho tính linh hoạt và đa dạng của hệ thống BCTC bị mất đi, không phù hợp với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, có các thông tin đặc thù nhưng mang tính trọng yếu cần phải nêu trong BCTC.
  • Một số chỉ tiêu chưa được phân loại và trình bày phù hợp với nguyên tắc trọng yếu và tập hợp.
  • Các khoản chiết khấu khi trình bày các khoản phải thu chưa được đề cập trong khi IAS quy định các khoản phải thu có tính đến các khoản khấu trừ, chiết khấu.
  • Chưa đề cập và hướng dẫn chính thức về suy giảm giá trị tài sản đối với tài sản cố định hữu hình cũng như đánh giá lại tài sản vô hình.
  • Đối với nghiệp vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi, hệ thống BCTC chưa có hướng dẫn hoạch toán cụ thể.
  • Trong phần thuyết minh BCTC, không trình bày tách biệt các hoạt động tiếp tục khỏi các hoạt động gián đoạn gây khó khăn cho việc dự đoán các dòng tiền, lãi trên cổ phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp.

Hệ thống BCTC của doanh nghiệp chưa đề cập hoặc chưa quy định việc ghi nhận và trình bày một số nội dung theo thông lệ quốc tế trong soạn thảo và trình bày BCTC.

  • Hệ thống kế toán Việt Nam hầu như chưa có đề cập một cách hệ thống về hoạch toán và báo cáo nguồn lực tri thức.
  • Báo cáo trách nhiệm xã hội trong BCTC doanh nghiệp đã trở nên rất phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, thì tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Tác giải: Mai Thị Hoa, ThS., Học viện Chính sách và Phát triển.

 

 

 

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2593 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;