Cơ hội và thách thức cho Việt Nam trong khuôn khổ VKFTA

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức được ký kết ngày 05/05/2015 sau 03 năm đàm phán. VKFTA được đánh giá là Hiệp định mang lại nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với kinh tế Hàn Quốc – nền kinh tế được xem là một trong bốn con rồng Châu Á. Trong khuôn khổ Hiệp định này, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng kinh tế trong nhiều lĩnh vực.

Thúc đẩy thương mại song phương

Thương mại hai nước Việt – Hàn có tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan, từ 500 triệu USD năm 1992 lên 26 tỷ USD năm 2014 và 36 tỷ USD năm 2015 (theo thống kê củaTổng cục Hải quan, 2016).

Với việc Hàn Quốc mở cửa thị trường cho một số sản phẩm nông sản của Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội tận dụng thế mạnh về sản xuất nông nghiệp để tăng kim nghạch xuất khẩu nông sản vào thị trường Hàn Quốc. Ngoài ra, VKFTA cũng nâng cao hiệu quả trong nhập khẩu, nhất là nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất nhằm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam: dệt may, giày dép, điện tử…Theo đánh giá của Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), VKFTA sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 18% - 20%/năm, từ đó kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng lên 1,4%-3,2%/năm.

Thúc đẩy đầu tư, chuyển giao công nghệ.

Dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam những năm gần đây đã gia tăng một cách chóng mặt, làm cho Hàn Quốc trở thành quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Hàn Quốc vào Việt Nam cuối năm 2015 đạt gần 50 tỷ USD (Tổng cục Thống kê).

Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng các cơ chế đầu tư thông thoáng, đặc biệt là với cam kết bảo hộ, khuyến khích đầu tư, minh bạch hoá chính sách,cạnh trạnh bình đẳng, tự do hoá thương mại…VKFTA sẽ mang đến cơ hội lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, công nghiệp hỗ trợ.

Nói đến công nghệ, người ta sẽ nghĩ ngay đến đất nước Hàn Quốc. Cùng với quá trình đầu tư từ các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ là việc khuyến khích chuyển giao công nghệ. Điều này tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao trình độ công nghệ và năng lực sản xuất, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc công nghiệp hoá đất nước.

Cải thiện an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được sử dụng hàng hoá nhập khẩu từ Hàn Quốc với chất lượng tốt và giá rẻ. Việc đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, thu nhập và phúc lợi cho nhóm nhóm lao động thu nhập trung bình và thấp. Đồng thời, đây là cơ hội cho người lao động Việt Nam có thể học tập, rèn luyện tác phong công nghiệp, tiếp xúc và ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Một số thách thức mà VKFTA đặt ra cho Việt Nam:

Gia tăng áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp trong nước.

Mở cửa thị trường đồng nghĩa với việc chấp nhận các doanh nghiệp Hàn Quốc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn Quốc có  lợi thế hơn hẳn về công nghệ, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, năng lực quản lý so với doanh nghiệp Việt Nam, tạo sức ép rất lớn cho các doanh nghiệp trong nước. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ mất thị trường, phải thu hẹp quy mô, thậm chí bị thôn tính nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các lĩnh vực dệt may, sản xuất phụ tùng, lắp ráp ôtô…

Rào cản kỹ thuật chặt chẽ.

Các rào cản kỹ thuật theo VKFTA được quy định chặt chẽ hơn nhất là việc kiểm dịch, an toàn vệ sinh đối với hàng nông sản, thuỷ sản. Vì vậy, để đáp ứng thị trường Hàn Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam phải đạt trình độ kỹ thuật phù hợp, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh.

Thâm hụt thương mại tăng.

Gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà lại không được đưa vào danh mục giảm thuế của Hiệp định. Hàng xuất khẩu đựơc miễn thuế sang Hàn Quốc chủ yếu là các mặt hàng thô, gia công chưa qua chế biến, trong khi hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc vào Việt Nam lại chủ yếu là các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, hàng xa xỉ, nguyên phụ liệu sản xuất…Do đó, có thể đẩy Việt Nam rơi vào thâm hụt thương mại kéo dài.

Thách thức trong năng lực quản lý.

Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ chuyên gia của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sự phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương với đại phương chưa thực sự hiệu quả, gây khó khăn trong việc đưa ra chính sách và xử lý các vấn đề pháp sinh trong VKFTA.

Xem thêm Nghị định 130/2016/NĐ-CP về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Hàn Quốc giai đoạn 2016 - 2018 có hiệu lực từ ngày 01/9/2016.


Nguồn: Tạp chí Kinh tế và Dự báo.

Tác giả: PGS, TS. Đinh Văn Thông (Trường Đại học kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội).

 

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2801 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;