Đây là quy định đáng chú ý tại Dự thảo lần 4 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án đang được lấy ý kiến.
Ảnh minh họa
Theo đó, nhằm đảm bảo nguyên tắc các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải, đối thoại phải được giữ bí mật theo quy định tại Điều 4 của Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, thì Dự thảo lần 4 này quy định trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình hay ghi biên bản hòa giải, đối thoại.
Cụ thể, khoản 2 Điều 4 Dự thảo lần 4 Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án quy định:
2. Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại Điều 28 của Luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Như vậy, thời gian tới nếu Dự thảo này được thông qua thì việc hòa giải tại Tòa sẽ chính thức được luật hóa, có văn bản quy phạm pháp luật cụ thể điều chỉnh. Bên cạnh đó, việc đưa vấn đề Bảo mật thông tin trở thành một nguyên tắc luật định cũng là quan điểm hết sức tiến bộ của Quốc hội. Bởi hiện nay việc hòa giải tại Tòa án chỉ được quy định tại một số điều trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và nguyên tắc hòa giải còn khá sơ sài, chưa đề cập được vấn đề Bảo mật thông tin.
Ngoài ra, Điều 4 Dự thảo này cũng quy định những vấn đề bảo mật thông tin khác mà người tham gia hòa giải, đối thoại phải tuân thủ:
-
Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.
-
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ những trường hợp sau đây:
-
Bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;
-
Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.
-
Cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 4 thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem chi tiết nội dung của Dự thảo TẠI ĐÂY.
Toàn Trung
- Từ khóa:
- Hòa giải
- Thủ tục hòa giải