Theo Thông tư 27/2021/TT-BYT, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử trước ngày 01/12/2022.’
- Điều kiện cấp giấy phép hoạt động phòng khám đa khoa, chuyên khoa
- Đơn thuốc N, H mẫu cũ được sử dụng đến trước ngày 30/6/2023
Trước 01/12/2022, bệnh viện, phòng khám phải kê đơn thuốc điện tử (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Điều 6 Thông tư 27/2021 quy định các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải thực hiện việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử theo lộ trình sau:
- Đối với các bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022;
- Đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác phải hoàn thành trước ngày 01/12/2022.
Như vậy, theo quy định này, các bệnh viện, phòng khám phải thực hiện kê đơn thuốc điện tử trước ngày 01/12/2021, đối với bệnh viện từ hạng 3 trở lên thì phải hoàn thành trước ngày 30/6/2022.
Thông tư 27/2021 nêu rõ đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử đáp ứng các quy định có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy.
Theo đó, việc kê đơn thuốc điện tử được thực hiện như sau:
*Đối với người bệnh ngoại trú:
- Trường hợp kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT và Thông tư 18/2018/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú;
- Trường hợp kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư 44/2018/TT-BYT quy định về kê đơn thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và kê đơn kết hợp thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu với thuốc hóa dược.
*Đối với người bệnh nội trú ra viện:
- Trường hợp kê đơn trong phần ghi chú của Giấy ra viện:
Thực hiện theo quy định tại Phụ lục 3 Thông tư 56/2017/TT-BYT.
- Trường hợp kê đơn theo mẫu đơn ngoại trú: thực hiện theo quy định như đối với người bệnh ngoại trú.
Phải tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia
Tại khoản 5 Điều 4 Thông tư 27/2021 quy định rõ trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:
- Bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng tiêu chí kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế ngay sau khi kết thúc quy trình khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh ngoại trú và trước khi người bệnh ra viện đối với người bệnh nội trú;
- Gửi đơn thuốc điện tử hoặc mã đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh thông qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
- Tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị nội trú và gửi lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia trước khi người bệnh ra viện.
- Thực hiện lưu trữ đơn thuốc điện tử như thời gian lưu trữ đơn thuốc giấy theo quy định của Bộ Y tế.
Ngoài ra, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin và các đơn vị liên quan xây dựng quy chế quản lý Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn (Hệ thống đơn thuốc quốc gia); phân quyền quản trị cho các đơn vị liên quan và các địa phương.
Đồng thời, quản lý, vận hành Hệ thống đơn thuốc quốc gia; cấp mã định danh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và mã người hành nghề cho đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý thông qua Hệ thống đơn thuốc quốc gia.
Cục Quản lý Dược có trách nhiệm bảo đảm kết nối giữa Hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia và Hệ thống đơn thuốc quốc gia; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở bán lẻ thuốc và người hành nghề dược triển khai thực hiện.
Lưu ý: Cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm tiếp nhận đơn thuốc điện tử và gửi báo cáo việc cấp, bán thuốc theo đơn được quy định tại Thông tư 27/2021.
Thông tư 27/2021/TT-BYT có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Bảo Ngọc