Trợ giúp viên pháp lý là ai?

Trong một số phiên tòa, trợ giúp viên pháp lý tham gia bào chữa cho người bị buộc tội, bảo vệ cho nguyên đơn, bị đơn dân sự. Vậy trợ giúp viên pháp lý là ai, cần tiêu chuẩn gì để trở thành trợ giúp viên pháp lý?

Trợ giúp viên pháp lý là ai?

Trợ giúp viên pháp lý là ai? (Ảnh minh họa)

1. Trợ giúp viên pháp lý là ai?

Trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Trong đó: Trợ giúp pháp lý là việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.

2. Tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý

Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

- Có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ cử nhân luật trở lên;

- Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

- Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

3. Thủ tục bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý

3.1. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý

Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý bao gồm:

- Văn bản của Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

- Lý lịch trích ngang của người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý;

- 02 ảnh màu chân dung cỡ 2 cm x 3 cm;

- Bản sao có chứng thực Bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật, Bằng thạc sĩ luật hoặc Bằng tiến sĩ luật;

- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư hoặc Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý; trường hợp được miễn tập sự trợ giúp pháp lý thì phải có bản sao có chứng thực giấy tờ chứng minh là người được miễn tập sự trợ giúp pháp lý;

- Giấy chứng nhận sức khỏe.

3.2. Trình tự bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý

Bước 1: Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước lập danh sách những người làm việc ở Trung tâm có đủ tiêu chuẩn gửi Sở Tư pháp đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý.

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách người được đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý, Giám đốc Sở Tư pháp lập hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ trợ giúp viên pháp lý;

Trường hợp từ chối phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm, thu hồi thẻ

Trợ giúp viên pháp lý bị miễn nhiệm và thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Không còn đủ tiêu chuẩn làm trợ giúp viên pháp lý;

- Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc;

- Chuyển công tác khác hoặc thôi việc theo nguyện vọng;

- Không thực hiện vụ việc tham gia tố tụng trong thời gian 02 năm liên tục, trừ trường hợp do nguyên nhân khách quan;

- Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo từ lần thứ 02 trở lên hoặc cách chức do thực hiện hành vi quy định tại điểm a, b, đ hoặc e khoản 1 Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý 2017;

- Đang bị cấm hành nghề trong thời gian nhất định theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

(Điều 2, 17, 19, 20, khoản 1 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý 2017)

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
2256 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;