Tôi muốn hỏi người làm công tác kiểm toán nội bộ có các trách nhiệm và quyền hạn như thế nào? - Trung Hiếu (Quảng Ngãi)
Trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ (Hình từ Internet)
1. Tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
Theo Điều 11 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, các tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ được quy định như sau:
- Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
- Đã có thời gian từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
- Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
- Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.
- Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.
2. Trách nhiệm và quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
2.1. Trách nhiệm của người làm công tác kiểm toán nội bộ
Cụ thể tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, người làm công tác kiểm toán nội bộ phải thực hiện các trách nhiệm sau đây:
- Thực hiện kế hoạch kiểm toán đã được phê duyệt;
- Xác định các thông tin đầy đủ, tin cậy, phù hợp và hữu ích cho việc thực hiện các mục tiêu kiểm toán;
- Căn cứ vào các phân tích và đánh giá phù hợp để đưa ra kết luận và các kết quả kiểm toán một cách độc lập, khách quan;
- Lưu các thông tin liên quan để hỗ trợ các kết luận và đưa ra kết quả kiểm toán;
- Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm toán được giao thực hiện;
- Bảo mật thông tin theo đúng quy định của pháp luật;
- Không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp;
- Các trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.
2.2. Quyền hạn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
Người làm công tác kiểm toán nội bộ có các quyền hạn sau đây:
- Trong khi thực hiện kiểm toán có quyền độc lập trong việc nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị về những nội dung đã kiểm toán;
- Có quyền yêu cầu bộ phận/đơn vị được kiểm toán cung cấp kịp thời, đầy đủ tài liệu, thông tin có liên quan đến nội dung kiểm toán;
- Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công;
- Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và Quy chế kiểm toán nội bộ của đơn vị.
(Khoản 2 Điều 23 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)
3. Mục tiêu và nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ
3.1. Mục tiêu của kiểm toán nội bộ
Thông qua các hoạt động kiểm tra, đánh giá và tư vấn, kiểm toán nội bộ đưa ra các đảm bảo mang tính độc lập, khách quan và các khuyến nghị về các nội dung được quy định tại Điều 4 Nghị định 05/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị đã được thiết lập và vận hành một cách phù hợp nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý các rủi ro của đơn vị.
- Các quy trình quản trị và quy trình quản lý rủi ro của đơn vị đảm bảo tính hiệu quả và có hiệu suất cao.
- Các mục tiêu hoạt động và các mục tiêu chiến lược, kế hoạch và nhiệm vụ công tác mà đơn vị đạt được.
3.2. Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán nội bộ
- Tính độc lập: Người làm công tác kiểm toán nội bộ không được đồng thời đảm nhận các công việc thuộc đối tượng của kiểm toán nội bộ. Đơn vị phải đảm bảo rằng kiểm toán nội bộ không chịu bất cứ sự can thiệp nào trong khi thực hiện nhiệm vụ báo cáo và đánh giá.
- Tính khách quan: Người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đảm bảo khách quan, chính xác, trung thực, công bằng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của kiểm toán nội bộ.
-Tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động kiểm toán nội bộ.
(Điều 4 Nghị định 05/2019/NĐ-CP)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- người làm công tác kiểm toán nội bộ