Các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của người tố cáo và trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đã được quy định rõ ràng và cụ thể hơn tại Luật Tố cáo 2018, đáng chú ý là một số điểm mới sau đây.
1. Công dân có quyền tố cáo cán bộ, công chức đã nghỉ việc
Luật Tố cáo 2018 bổ sung đối tượng bị tố cáo là người không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng không còn được giao thực hiện công vụ nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian được giao thực hiện công vụ.
2. Người tố cáo được quyền rút đơn tố cáo
Theo đó, người tố cáo có quyền rút toàn bộ nội dung tố cáo hoặc một phần nội dung tố cáo trước khi người giải quyết tố cáo ra kết luận nội dung tố cáo. Việc rút tố cáo phải được thực hiện bằng văn bản
3. Rút gọn trình tự giải quyết tố cáo
Trình tự thủ tục giải quyết tố cáo được rút gọn bằng việc bãi bỏ quy định “Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”. Do đó, trình tự giải quyết tố cáo sẽ được thực hiện theo các bước như sau:
-
Thụ lý tố cáo;
-
Xác minh nội dung tố cáo;
-
Kết luận nội dung tố cáo;
-
Xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo.
4. Giảm thời hạn giải quyết tố cáo còn 30 ngày
Giảm thời hạn giải quyết tố cáo từ 60 ngày xuống 30 ngày, đối với vụ việc phức tạp chỉ được gia hạn thêm 1 lần nhưng không quá 30 ngày; đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.
5. Phải có báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo
Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý.
6. Gửi tố cáo đến Thủ tướng phải thông qua Tổng thanh tra Chính phủ
Khoản 2 Điều 32 Luật Tố cáo 2018 quy định Tổng Thanh tra Chính phủ phải có trách nhiệm về việc Tiếp nhận, phân loại, đề xuất việc giải quyết tố cáo thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
7. Ấn định thời gian gửi kết luận nội dung tố cáo
Chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo gửi kết luận nội dung tố cáo đến người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức quản lý người bị tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Nội dung nêu trên căn cứ theo Khoản 3 Điều 35.
8. Ra kết quả xử lý đơn tố cáo trong vòng 7 ngày từ ngày ra kết luận
Thời hạn xử lý kết luận tố cáo được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 36 Luật Tố cáo 2018.
-
Theo đó, chậm nhất là 07 ngày làm việc kể từ ngày ban hành kết luận nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo căn cứ vào kết luận nội dung tố cáo và tiến hành việc xử lý tố cáo;
-
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả xử lý, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý kiến nghị trong kết luận nội dung tố cáo.
9. Kéo dài thêm 10 ngày để xử lý tố cáo tiếp
Khoản 2 Điều 37 quy định tăng thời hạn xử lý trong trường hợp tố cáo tiếp từ 10 ngày lên thành 20 ngày, kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp. Trong thời hạn này, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người đã giải quyết tố cáo phải xem xét hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo trước đó.
10. Công khai nội dung kết luận tố cáo trong vòng 7 ngày
Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo, người giải quyết tố cáo có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận nội dung tố cáo, người có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công khai quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.
11. Không áp dụng biện pháp bảo vệ tại nơi cư trú đối với người tố cáo
Theo quy định mới tại Mục 3 Chương VI Luật Tố cáo 2018 thì người tố cáo có thể được áp dụng các biện pháp bảo vệ sau đây:
-
Biện pháp bảo vệ bí mật thông tin;
-
Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm;
-
Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm.
Luật Tố cáo 2018 có hiệu lực từ 01/01/2019, thay thế Luật Tố cáo 2011.