Tổng hợp điểm mới cơ bản trong Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

Với 86,92% đại biểu Quốc hội nhất trí tán thành, Dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) 2014 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Những quy định sửa đổi, bổ sung của Luật này dựa trên cơ sở kế thừa và phát triển những quy định của pháp luật hiện hành kết hợp với việc tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động nghị viện của một số nước trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam, đồng thời dựa trên kết quả của việc hệ thống hóa, pháp điển các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) 2014 cụ thể hóa quy định của Hiến pháp 2013 về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Về chức năng của Quốc hội, theo Điều 69 của Hiến pháp, Luật sửa đổi đã thiết kế nội dung về chức năng của Quốc hội theo hướng ngắn gọn hơn, cụ thể là: Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

So với quy định của luật hiện hành, Quốc hội không tổ chức thực hiện giám sát tối cao “đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước” mà chỉ tiến hành “giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Việc sửa đổi quy định tại điều 1 của Luật hiện hành nhằm khẳng định đối tượng giám sát tối cao của Quốc hội chỉ bao gồm “tầng cao nhất của bộ máy Nhà nước” (Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, những người đứng đầu các cơ quan này và các thành viên của Chính phủ).

Về nhiệm kỳ của Quốc hội, trên cơ sở cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, Luật sửa đổi đã bổ sung thêm một số nội dung về nhiệm kỳ của Quốc hội. Bên cạnh việc tiếp tục quy định về khung thời gian cho mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là năm năm, Luật sửa đổi ấn định 60 ngày trước khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Quốc hội khoá mới phải được bầu xong. Luật sửa đổi cũng xác định rõ khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định rút ngắn hoặc kéo dài nhiệm kỳ. Thời gian kéo dài hay rút ngắn nhiệm kỳ của Quốc hội không được quá 12 tháng, trừ trường hợp có chiến tranh.

Về việc lấy phiếu tín nhiệm, Luật sửa đổi xây dựng quy định mới về việc lấy phiếu tín nhiệm. Quy định này nhằm ghi nhận thẩm quyền của Quốc hội trong việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Mặc dù Hiến pháp 2013 không đề cập đến việc lấy phiếu tín nhiệm, song dựa trên hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, sự quan tâm của cử tri cả nước và dư luận xã hội trong thời gian qua, Luật sửa đổi đã thiết kế quy định về lấy phiếu tín nhiệm với tính chất là một phương thức tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đồng thời, đây cũng được xem là một bước chuẩn bị cho việc thực hiện quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định trong Hiến pháp.   

Bên cạnh quy định về lấy phiếu tín nhiệm, Luật sửa đổi bổ sung quy định về việc bỏ phiếu tín nhiệm trên cơ sở thể chế hóa quy định của Hiến pháp và luật hóa một số nội dung trong Nghị quyết số 35/2012/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và có kế thừa quy định tại Điều 88 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành.

Theo đó, Luật sửa đổi quy định Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị; hoặc, có ý kiến bằng văn bản của ít nhất hai mươi phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội; hoặc, có kiến nghị của Hội đồng dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội.

Bên cạnh đó, Luật sửa đổi bổ sung thêm trường hợp Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm khi người được lấy phiếu tín nhiệm khi có từ hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội trở lên đánh giá tín nhiệm thấp. Đồng thời cũng quy định rõ hậu quả pháp lý đối với người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm khi có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm. Luật sửa đổi bổ sung thêm nhiều quy định tạo cơ sở pháp lý quan trọng để đại biểu Quốc hội thực hiện vai trò trung tâm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Về bố cục, để thể hiện vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các quy định về đại biểu Quốc hội được thiết kế tại chương II, ngay sau chương những quy định chung về vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội.

Về nội dung, bên cạnh việc kế thừa các quy định của luật hiện hành về các quyền trình dự án luật, pháp lệnh và kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền của đại biểu khi phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, quyền miễn trừ của đại biểu Quốc hội... Luật sửa đổi bổ sung thêm một số nội dung về trách nhiệm với cử tri, quy định đại biểu Quốc hội có thể tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc; tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm nhằm mục đích tạo thêm cơ hội để đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của cử tri, đồng thời thu hút được sự quan tâm của cử tri đối với các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.

Về quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội, Luật sửa đổi bổ sung quyền chất vấn của đại biểu đối với Tổng Kiểm toán nhà nước để phù hợp với Hiến pháp (sửa đổi); quy định về việc trả lời chất vấn theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định cho phép người bị chất vấn trả lời chất vấn tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp bằng văn bản đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn. Trường hợp đại biểu Quốc hội chưa đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền tiếp tục chất vấn lại tại phiên họp của Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc gửi chất vấn đến người bị chất vấn.

Về quyền kiến nghị của đại biểu Quốc hội, so với luật hiện hành, Luật sửa đổi có quy định riêng về quyền của đại biểu Quốc hội trong việc kiến nghị Quốc hội về các vấn đề: Sửa đổi Hiến pháp; trưng cầu ý dân; thành lập Ủy ban lâm thời của Quốc hội; bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; tổ chức phiên họp bất thường; phiên họp kín của Quốc hội và kiến nghị những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội thấy cần thiết. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội cũng có quyền kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân áp dụng biện pháp cần thiết để thực hiện Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Về quyền tham dự kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Luật sửa đổi bổ sung thêm quyền của đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân nơi đại biểu cư trú hoặc nơi làm việc khi Hội đồng nhân dân bàn những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội sâu sát hơn với tình hình thực tiễn của địa phương, thu thập thêm các thông tin cần thiết cho hoạt động của mình. Luật bổ sung các quy định nhằm xác định cụ thể vị trí pháp lý của đại biểu Quốc hội chuyên trách, số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất ba mươi lăm phần trăm tổng số đại biểu Quốc hội.

Về cơ cấu của tổ chức của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội: Luật sửa đổi quy định Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng dân tộc và Chủ nhiệm Ủy ban. Các chức danh Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Ủy ban sẽ do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Luật sửa đổi quy định mới về chức danh Tổng thư ký. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm để tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Tổng thư ký là đại biểu Quốc hội đồng thời giữ vai trò là Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động của Văn phòng Quốc hội.

Nguồn: baoquangbinh.vn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
548 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;