Luật Thi đua Khen thưởng 2022 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó có quy định danh hiệu “chiến sĩ thi đua toàn quốc” đối với cá nhân với một số điểm mới nổi bật.
- Thủ tục xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc mới nhất
- Thủ tục xét tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua
Tiêu chuẩn danh hiệu “chiến sĩ thi đua toàn quốc” từ 2024 (Hình từ internet)
Cụ thể, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” để tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:
- Có thành tích xuất sắc tiêu biểu được lựa chọn trong số những cá nhân có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua Bộ, ban, ngành, tỉnh.
- Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong toàn quốc;
Hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc;
Hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
(Hiện hành, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” được xét tặng cho cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc nhất được lựa chọn trong số những cá nhân có hai lần liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương)
Ngoài ra, Luật Thi đua Khen thưởng 2022 quy định:
Người đứng đầu Bộ, ban, ngành, tỉnh xem xét, công nhận hiệu quả và khả năng nhân rộng, phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc của sáng kiến, đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an xem xét, công nhận sự mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu có phạm vi ảnh hưởng trong toàn quốc.
Xem thêm Luật Thi đua Khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thay thế Luật Thi đua Khen thưởng 2003 sửa đổi bởi Luật sửa đổi Thi đua Khen thưởng 2005, Luật sửa đổi Thi đua Khen thưởng 2009, Luật sửa đổi Thi đua Khen thưởng 2013.
Chí Nhân