Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 21/2021/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet. Theo đó, thủ tục đăng ký cấp, phân bổ địa chỉ IP được hướng dẫn như sau:
Thủ tục đăng ký cấp, phân bổ địa chỉ IP mới nhất (Ảnh minh họa)
Đối tượng được đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ IP
Tại khoản 17 Điều 1 Thông tư 21/2021 quy định đối tượng được đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ IP bao gồm:
- Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thiết lập mạng kết nối với Internet được đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ IP để sử dụng nội bộ hoặc cấp lại cho khách hàng có kết nối đến mạng cung cấp dịch vụ của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu được cấp, phân bổ lại địa chỉ IPv4 từ vùng địa chỉ IPv4 sau hoàn trả hoặc thu hồi đã được Trung tâm Internet Việt Nam niêm yết đáp ứng các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 24 Thông tư 24/2015, cụ thể:
+ Đến trước, xét duyệt xử lý hồ sơ trước;
+ Chưa có địa chỉ IPv4 để sử dụng hoặc đã có địa chỉ nhưng giải trình được đã sử dụng hết ít nhất 80% các vùng địa chỉ IPv4 được cấp, phân bổ trước đó đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp, phân bổ địa chỉ;
+ Thuyết minh mức độ cần thiết và khả năng sử dụng ngay vùng địa chỉ đề nghị cấp, phân bổ;
+ Trường hợp được xét cấp, phân bổ lại vùng địa chỉ IPv4, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đề nghị cấp, phân bổ địa chỉ hoàn tất nghĩa vụ nộp phí, lệ phí sử dụng địa chỉ IP tại Việt Nam theo quy định của Bộ Tài chính.
- Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thay đổi tên chủ thể đăng ký trong các trường hợp sau:
+ Cơ quan, tổ chức đổi tên theo quyết định của cấp có thẩm quyền;
+ Chia, tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc thay đổi chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức quản lý, vận hành mạng lưới, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ IP;
+ Tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, dẫn tới sự thay đổi về tổ chức trực tiếp quản lý, vận hành mạng lưới, dịch vụ đang sử dụng vùng địa chỉ IP.
Cách thức thực hiện
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia tại địa chỉ dichvucong.mic.gov.vn hoặc dichvucong.gov.vn (theo quy định cũ là nộp trực tuyến tại địa chỉ www.diachiip.vn).
Trường hợp không có khả năng nộp trực tuyến, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam), địa chỉ: Tòa nhà VNTA đường Dương Đình Nghệ, Cầu Giấy, Hà Nội.
Hồ sơ bao gồm:
- Bản khai đăng ký địa chỉ IP theo mẫu quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư 24/2015;
Bản khai đăng ký địa chỉ IP (Phụ lục 10) |
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao (kèm bản chính để đối chiếu) quyết định thành lập hoặc các loại Giấy chứng nhận hợp lệ khác được cấp trước ngày 01/7/2015 (trong trường hợp không có Mã số doanh nghiệp);
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao (kèm bản chính để đối chiếu) quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc văn bản tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp và các giấy tờ khác chứng minh sự thay đổi hợp lệ về quyền sử dụng địa chỉ IP (đối với trường hợp thay đổi tên chủ thể).
So với Thông tư 24/2015, quy định mới đã bỏ “Bản sao Giấy phép cung cấp dịch vụ Internet” trong hồ sơ đề nghị cấp địa chỉ IP.
Lưu ý: Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ phải nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định trên trong trường hợp đồng thời xin cấp cả địa chỉ IP và số hiệu mạng.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, phí, lệ phí đầy đủ, hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông (Trung tâm Internet Việt Nam) có trách nhiệm cấp, phân bổ địa chỉ IP cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp theo mẫu quy định. Trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Hiện hành, Thông tư 24/2015 quy định chậm nhất là 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ).
Thông tư 21/2021/TT-BTTTT có hiệu lực từ ngày 07/02/2022.
Bảo Ngọc