Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BKHCN hướng dẫn về việc tiến hành công việc bức xạ và hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Theo đó, kể từ ngày 15/4/2022, thẩm quyền cấp Giấy phép tiến hành công việc bức xạ, Chứng chỉ nhân viên bức xạ được quy định như sau:
- Nâng phụ cấp ưu đãi nghề y lên 100%
- Những vị trí công tác lĩnh vực tổ chức cán bộ phải định kỳ chuyển đổi
Thẩm quyền cấp Giấy phép, Chứng chỉ nhân viên bức xạ từ 15/4/2022 (Ảnh minh họa)
1. Thẩm quyền của Bộ Khoa học và Công nghệ
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BKHCN quy định Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép đối với các công việc sau:
- Vận hành thiết bị chiếu xạ để khử trùng, tạo đột biến và xử lý vật liệu (sử dụng trong công nghiệp);
- Sản xuất, chế biến chất phóng xạ;
- Vận chuyển quá cảnh vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;
- Đóng gói, vận chuyển vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân;
- Nhập khẩu vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân;
- Xuất khẩu vật liệu hạt nhân nguồn, vật liệu hạt nhân và thiết bị hạt nhân.
(So với hiện hành, bỏ thẩm quyền cấp Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho kỹ sư trưởng lò phản ứng hạt nhân, trưởng ca vận hành lò phản ứng hạt nhân, người quản lý nhiên liệu hạt nhân, nhân viên vận hành lò phản ứng hạt nhân).
2. Thẩm quyền của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân
Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BKHCN, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân có thẩm quyền cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề, trừ các trường hợp quy định tại mục 1, 3 và 4.
3. Thẩm quyền của Cục Năng lượng nguyên tử
Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BKHCN quy định Cục Năng lượng nguyên tử cấp Giấy đăng ký và Chứng chỉ hành nghề đối với các dịch vụ sau:
- Tư vấn công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, bao gồm: Tư vấn công nghệ bức xạ, tư vấn công nghệ hạt nhân cho tổ chức, cá nhân tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;
- Đánh giá công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân; giám định công nghệ bức xạ, công nghệ hạt nhân;
- Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đối với cá nhân thực hiện các dịch vụ nêu trên.
(Đây là nội dung mới bổ sung so với Thông tư 08/2010/TT-BKHCN)
4. Thẩm quyền của Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh
Theo khoản 4 Điều 2 Thông tư 02/2022/TT-BKHCN, Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép cho tổ chức, cá nhân sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế và Chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn tại cơ sở X-quang chẩn đoán trong y tế hoạt động trên địa bàn tỉnh, thành phố theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BKHCN.
Lưu ý:
- Thiết bị X-quang chẩn đoán trong y tế được lắp đặt, sử dụng tại tỉnh nào thì cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh của tỉnh đó cấp Giấy phép.
Ví dụ như: Thiết bị X-quang chẩn đoán y tế của tổ chức, cá nhân có trụ sở chính ở tỉnh A nhưng được lắp đặt, sử dụng tại tỉnh B thì UBND tỉnh B cấp giấy phép sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế.
- Thiết bị X-quang di động được sử dụng tại các tỉnh khác nhau thì thẩm quyền cấp Giấy phép của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc UBND cấp tỉnh nơi tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký hoạt động.
Ngoài ra, cơ quan cấp Giấy phép, Giấy đăng ký, Chứng chỉ nhân viên bức xạ, Chứng chỉ hành nghề có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, gia hạn, cấp lại theo quy định tại Nghị định 142/2020/NĐ-CP.
Thông tư 02/2022/TT-BKHCN có hiệu lực từ ngày 15/4/2022; thay thế Thông tư 08/2010/TT-BKHCN và Thông tư 06/2016/TT-BKHCN.
Bảo Ngọc