Tập trung kinh tế: những thay đổi theo Luật Cạnh tranh 2018

Tập trung kinh tế là hành vi của doanh nghiệp bao gồm: sáp nhập, hợp nhất, mua lại doanh nghiệp; liên doanh giữa các doanh nghiệp… thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh. Theo đó, Luật cạnh tranh 2018 cho thấy một số điểm thay đổi trong cách tiếp cận về tập trung kinh tế so với Luật cạnh tranh 2004.

Tập trung kinh tế: những thay đổi theo Luật Cạnh tranh 2018

Tập trung kinh tế: những thay đổi theo Luật Cạnh tranh 2018 (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, tại Khoản 4 Điều 29 Luật cạnh tranh 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019) quy định hành vi tập trung kinh tế dưới hình thức “mua lại doanh nghiệp” là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Trong khi đó tại Khoản 3 Điều 17 Luật cạnh tranh 2004 chỉ nêu “mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại”. Có thể thấy, khái niệm “mua lại doanh nghiệp” theo Luật cạnh tranh 2018 đã có sự mở rộng hơn, bao gồm luôn cả việc mua phần vốn góp.

Thứ hai, về vấn đề kiểm soát tập trung kinh tế. Trước đây, ở Luật Cạnh tranh 2004, một giao dịch tập trung kinh tế bị cấm chỉ khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp trong vụ việc tập trung kinh tế là hơn 50% thị trường liên quan (Điều 18 Luật cạnh tranh 2004) . Tuy nhiên, theo Điều 30 Luật Cạnh Tranh 2018, điều kiện này được thay thế bằng các yếu tố về việc liệu việc tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam hay không. Việc đánh giá tác động căn cứ vào một trong các yếu tố hoặc kết hợp giữa các yếu tố sau đây:

  • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trên thị trường liên quan;
  • Mức độ tập trung trên thị trường liên quan trước và sau khi tập trung kinh tế;
  • Mối quan hệ của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau;
  • Lợi thế cạnh tranh do tập trung kinh tế mang lại trên thị trường liên quan;
  • Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế tăng giá hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu một cách đáng kể;
  • Khả năng doanh nghiệp sau tập trung kinh tế loại bỏ hoặc ngăn cản doanh nghiệp khác gia nhập hoặc mở rộng thị trường;
  • Yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế.

Thứ ba, về thông báo tập trung kinh tế. Trước đây, một giao dịch tập trung kinh tế cần phải được báo cáo cho cơ quan quản lý cạnh tranh, nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tập trung kinh tế là từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan theo Khoản 1 Điều 20 Luật cạnh tranh 2004. Hiện tại, theo Điều 33 Luật Cạnh Tranh 2018 quy định các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế phải nộp hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nếu họ thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế được xác định căn cứ vào một trong các tiêu chí sau đây:

  • Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế;
  • Tổng doanh thu của doanh nghiệp đó tại thị trường Việt Nam;
  •  Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế;
  • Thị phần kết hợp  trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. 

Như vậy, thay vì đưa ra một con số cụ thể, Luật Cạnh tranh 2018 đã thay thế thành những tiêu chí định tính xác định một doanh nghiệp có thuộc ngưỡng thông báo tập trung kinh tế hay không.

Bảo Ngọc

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1985 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;