Sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng: Cơ sở pháp lý cho giai đoạn mới

Một trong những điểm bổ sung quan trọng trong dự thảo Luật là biện pháp can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu yếu kém (nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt).

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (dự thảo luật). Đây là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017. Các thay đổi quan trọng nhất của dự thảo luật tập trung các nội dung sau đây:

Về nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD

Để nâng cao năng lực quản trị, điều hành, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện đối với nhân sự đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành của TCTD, trong đó chú trọng vào yêu cầu cao hơn về kinh nghiệm quản lý, điều hành của các nhân sự. Quy định này bảo đảm các nhân sự tham gia quản trị, điều hành TCTD, nhất là vị trí tổng giám đốc bắt buộc phải có kinh nghiệm quản lý, điều hành làm việc tại TCTD.

Dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh

Đồng thời để ngăn ngừa vi phạm, dự thảo luật đã bổ sung thêm các đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ quản trị, điều hành tại các TCTD là những người phải chịu trách nhiệm dẫn đến việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính ở khung phạt tiền cao nhất đối với các nhóm hành vi vi phạm về giấy phép, quản trị, điều hành, cổ phần, cổ phiếu, góp vốn, mua cổ phần, cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Về ngăn ngừa sở hữu chéo, hạn chế việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn của TCTD phục vụ cho các lợi ích liên quan.

Trên cơ sở tổng kết trong quá trình thực thi Luật Các TCTD, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng sở hữu chéo, đầu tư chéo không lành mạnh, như:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông lớn tại một TCTD và người có liên quan tại TCTD khác dưới 5% vốn điều lệ để tránh tình trạng lạm dụng vị thế cổ đông lớn chi phối hoạt động cấp tín dụng tại nhiều TCTD;

Thứ hai, bổ sung các quy định về giới hạn và điều kiện cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp nhằm hạn chế tình trạng “lách” quy định về giới hạn cấp tín dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro; Đồng thời bổ sung quy định không cho phép cấp tín dụng để mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của TCTD nhằm xử lý tình trạng góp vốn “ảo” từ nguồn cấp tín dụng của TCTD;

Thứ ba, bổ sung quy định về việc chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của TCTD không được đồng thời là chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc của doanh nghiệp khác nhằm ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để chi phối hoạt động cấp tín dụng cho doanh nghiệp liên quan. 

Thứ tư, bổ sung quy định yêu cầu TCTD báo cáo thông tin bằng văn bản về lợi ích liên quan của những người quản lý, người điều hành TCTD cho NHNN nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và ngăn ngừa việc lạm dụng ảnh hưởng của những đối tượng này.

Về biện pháp can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu yếu kém

Một trong những điểm bổ sung quan trọng trong dự thảo Luật là biện pháp can thiệp sớm đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu yếu kém (nhưng chưa được đặt vào kiểm soát đặc biệt) như: không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong thời hạn 6 tháng liên tục; không duy trì được tỷ lệ khả năng chi trả trong thời gian 3 tháng liên tục; xếp hạng dưới mức trung bình theo quy định về xếp hạng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là giải pháp quan trọng xử lý các yếu kém của TCTD từ sớm, tránh để rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Dự thảo luật cũng đã quy định rõ thời hạn, biện pháp áp dụng để TCTD tự khắc phục các yếu kém. Các biện pháp này bao gồm thu hẹp nội dung, phạm vi hoạt động, hạn chế các giao dịch lớn; tăng vốn điều lệ; tăng cường nắm giữ tài sản có tính thanh khoản cao, hạn chế chi trả cổ tức, phân phối lợi nhuận; cắt giảm chi phí, hạn chế trả thù lao, lương, thưởng, tăng cường quản trị rủi ro; tổ chức lại bộ máy quản lý...

Về cơ chế xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt

Trên cơ sở tổng kết thực tiễn xử lý TCTD yếu kém theo Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD giai đoạn 2011-2015, dự thảo luật đã sửa đổi toàn diện các quy định về kiểm soát đặc biệt để tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho việc xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt. Theo đó, dự thảo luật đã quy định cụ thể về quy trình xử lý, các phương án có thể áp dụng để xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt theo nguyên tắc quy định đầy đủ các cách thức có thể áp dụng để xử lý một TCTD yếu kém; các biện pháp xử lý có thể áp dụng để bảo đảm cơ quan có thẩm quyền, có đủ cơ sở pháp lý để lựa chọn cách thức xử lý phù hợp nhất đối với từng TCTD yếu kém.

Trong đó, dự thảo luật đã bổ sung thêm một số trường hợp NHNN có thể xem xét đặt một TCTD vào kiểm soát đặc biệt, quy định rõ về thẩm quyền xử lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN trong quá trình xử lý TCTD yếu kém, sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể hơn về khoản vay đặc biệt, thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt; cho phép tổ chức tài chính vi mô có thể được vay đặc biệt của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, quỹ tín dụng nhân dân có vay đặc biệt của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã.

Đồng thời, khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung quy định cụ thể để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD yếu kém trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt.

Về thẩm quyền xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật đã quy định rõ và phân định cụ thể thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN trong quá trình kiểm soát đặc biệt TCTD phụ thuộc vào mức độ phức tạp, rủi ro tiềm ẩn của phương án, biện pháp hỗ trợ dự kiến áp dụng, quy mô hoạt động, tầm ảnh hưởng tới hệ thống các TCTD. Theo nguyên tắc này, các trường hợp xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt chủ yếu thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và NHNN. Dự thảo luật giao Chính phủ quyết định về chủ trương và phê duyệt phương án phá sản, phương án giải thể, phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt hoặc quyết định áp dụng biện pháp đặc biệt khi xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. 

Về trình tự xử lý, khắc phục bất cập của pháp luật hiện hành, dự thảo luật đã quy định cụ thể về đánh giá thực trạng TCTD được kiểm soát đặc biệt để có căn cứ đề xuất chủ trương xử lý các TCTD được kiểm soát đặc biệt phù hợp với thực trạng của từng TCTD yếu kém.

Về các phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, một trong những nội dung quan trọng của dự thảo luật là quy định rõ 5 phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt, bao gồm phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc; và phương án phá sản.

Nguồn: Thời báo Ngân hàng

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
586 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;