Sắp tới, cá nhân được vận động quyên góp tự nguyện khắc phục thiên tai, dịch bệnh?

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện. Tại Dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất các chính sách sửa đổi trong đó có nội dung cá nhân được vận động quyên góp tự nguyện khắc phục thiên tai, dịch bệnh.

vận động quyên góp tự nguyện, Dự thảo

Sắp tới, cá nhân được vận động quyên góp tự nguyện khắc phục thiên tai, dịch bệnh? (Ảnh minh họa)

Theo đó, tại Tờ trình Bộ Tài chính đánh giá Nghị định 64/2008/NĐ-CP trong quá trình tổ chức thực hiện đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi như sau:

- Cần phải sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP để đảm bảo sự phù hợp, tính thống nhất, đồng bộ với các quy định pháp luật có liên quan thời điểm hiện nay, bởi lẽ những văn bản làm căn cứ ban hành Nghị định này đều đã được thay thế;

- Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 64/2008/NĐ-CP chưa bao quát công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục khó khăn cho người dân do tác động của dịch bệnh; chưa điều chỉnh đối với cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện trực tiếp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố. Đồng thời, chưa điều chỉnh đối với hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở y tế, cá nhân thực hiện vận động, tiếp nhận, hỗ  trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

- Thời gian để tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố theo quy định hiện nay là không quá 60 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn, không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

- Việc chưa có quy định về nội dung chi sửa chữa cơ sở hạ tầng vùng bị thiên tai là chưa phù hợp với quy định tại Luật phòng, chống thiên tai năm 2013.

- Chưa có quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

- Khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương khi tổ chức thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện.

Xuất phát từ những hạn chế trên, tại Báo cáo đánh giá tác động Bộ Tài chính đã có các chính sách sửa đổi so với Nghị định 64/2008/NĐ-CP gồm:

1. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh của Nghị định để tránh việc quy định chồng chéo tại các văn bản quy phạm pháp luật.

2. Sửa đổi nội dung quy định về thời gian tiếp nhận tiền, hiện vật cứu trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện để phù hợp thực tế.

3. Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung chi hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố.

4. Bổ sung quy định về công khai trong công tác vận động, tiếp nhận và phân phối sử dụng tiền, hiện vật cứu trợ nhằm sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch hiện vật cứu trợ.

5. Quy định về cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố và hỗ trợ bệnh nhân nghèo; quy định cơ sở y tế, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cá nhân vận động hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Nếu đề xuất này được chấp thuận trong thời gian sắp tới sẽ có quy định riêng về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước. Bộ Tài chính cũng đề ra 2 phương án quy định về cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố trong nước như sau:

Phương án 1: Quy định theo hướng:

1. Về vận động, tiếp nhận nguồn đóng góp tự nguyện

Khi cá nhân có nguyện vọng vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố thì thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật) theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định.

2. Về phân phối, sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện

Cá nhân cần thông báo chính quyền địa phương nơi tiếp nhận hỗ trợ về phạm vi, mức, thời gian hỗ trợ theo mẫu sẽ ban hành kèm theo Nghị định, để được phối hợp, hướng dẫn việc thực hiện phân phối nguồn đóng góp tự nguyện cũng như đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

3. Về công khai nguồn đóng góp tự nguyện

Các khoản đóng góp tự nguyện do cá nhân vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, sự cố phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. Cá nhân có trách nhiệm báo cáo, công khai về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện khi được yêu cầu.

Phương án 2: Quy định 01 Điều, cụ thể:

Khi thiên tai, dịch bệnh, sự cố xảy ra trong nước, gây thiệt hại về người, tài sản hoặc ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân, cá nhân được phép vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn. Các cá nhân phải tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.

THƯ KÝ LUẬT sẽ cập nhật thông tin nhanh nhất cho Qúy bạn đọc ngay khi các chính sách tại Dự thảo này được thông qua. Qúy bạn đọc có thể xem thêm các đề xuất khác tại Dự thảo.

Lưu ý: Nếu Quý Bạn đọc không tải file về được từ nút Tải về, vui lòng bấm chuột phải tại nút Tải về và chọn Mở Tab mới sẽ tải được file. Thư Ký Luật rất xin lỗi vì sự bất tiện này.

Thùy Trâm

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
913 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;