Xin cho tôi hỏi khi thực hiện dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì người bệnh có các quyền và nghĩa vụ như thế nào? - Văn Lương (Bến Tre)
Quyền và nghĩa vụ của người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Hình từ Internet)
1. Người bệnh là ai?
Theo khoản 3 Điều 2 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009, người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể:
- Khám bệnh là việc hỏi bệnh, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám thực thể, khi cần thiết thì chỉ định làm xét nghiệm cận lâm sàng, thăm dò chức năng để chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp đã được công nhận.
- Chữa bệnh là việc sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật đã được công nhận và thuốc đã được phép lưu hành để cấp cứu, điều trị, chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh.
(Khoản 1 và 2 Điều 2 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009)
2. Quyền của người bệnh theo Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009
Theo Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009, người bệnh có các quyền sau đây:
- Quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế
+ Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh.
+ Được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.
- Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư
+ Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án.
+ Thông tin quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
- Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh
+ Không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009.
+ Được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng.
+ Không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.
- Quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh
+ Được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị.
+ Chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh.
+ Được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh
+ Được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
+ Được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
- Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
+ Được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009.
+ Được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với chỉ định của người hành nghề, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009.
- Quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi
+ Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
+ Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.
(Từ Điều 7 đến Điều 13 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009)
3. Nghĩa vụ của người bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh
Người bệnh có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ sau đây:
- Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề
Tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác.
- Nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh
+ Cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
+ Chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề, trừ trường hợp quy định tại Điều 12 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009.
- Chấp hành và yêu cầu người nhà của mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh
Người bệnh có trách nhiệm chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.
(Điều 14, 15, 16 Luật Khám chữa bệnh, chữa bệnh 2009)
Thanh Rin
- Từ khóa:
- người bệnh