Cần những điều kiện gì để trở thành thành viên nghiệp vụ thị trường mở và thủ tục công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở như thế nào? – Đinh Hiển (Bình Phước)
Quy định về thành viên nghiệp vụ thị trường mở (Hình từ internet)
1. Nghiệp vụ thị trường mở là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 42/2015/TT-NHNN, nghiệp vụ thị trường mở là việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện mua, bán giấy tờ có giá với các thành viên.
2. Quy định về thành viên nghiệp vụ thị trường mở
2.1. Điều kiện đối với thành viên nghiệp vụ thị trường mở
Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân) được công nhận là thành viên khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Có tài Khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước.
- Được Ngân hàng Nhà nước cấp mã ngân hàng.
(Điều 5 Thông tư 42/2015/TT-NHNN)
2.2. Thủ tục công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhu cầu tham gia nghiệp vụ thị trường mở gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở theo Phụ lục số 01/TTM đến Ngân hàng Nhà nước để được xem xét cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở.
Phụ lục số 01/TTM |
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị tham gia nghiệp vụ thị trường mở của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc cấp Giấy công nhận thành viên nghiệp vụ thị trường mở khi đủ Điều kiện tại mục 2.1 hoặc có văn bản trả lời cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nếu không đủ diều kiện.
- Thủ tục công nhận lại thành viên đối với trường hợp thành viên đã chấm dứt tư cách thành viên được thực hiện như thủ tục công nhận thành viên lần đầu.
(Điều 6 Thông tư 42/2015/TT-NHNN)
2.3. Chấm dứt tư cách thành viên nghiệp vụ thị trường mở
- Thành viên bị chấm dứt tư cách thành viên trong các trường hợp sau:
+ Thành viên bị tự động chấm dứt tư cách thành viên khi thành viên bị sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản;
+ Khi tài Khoản thanh toán bằng đồng Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước của thành viên bị đóng, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên.
- Thành viên có nhu cầu chấm dứt tư cách thành viên và hoàn thành các nghĩa vụ đối với Ngân hàng Nhà nước trong các giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện Giấy đề nghị chấm dứt tư cách thành viên theo Phụ lục số 02/TTM đến Ngân hàng Nhà nước.
Phụ lục số 02/TTM |
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị chấm dứt tư cách thành viên, Ngân hàng Nhà nước có văn bản thông báo về việc chấm dứt tư cách thành viên gửi cho thành viên.
- Khi chấm dứt tư cách thành viên, Sở Giao dịch Ngân hàng nhà nước (sau đây gọi tắt là Sở Giao dịch) thông báo cho Cục Công nghệ tin học để thu hồi mã khóa truy cập và mã khóa ký chữ ký điện tử của thành viên.
(Điều 7 Thông tư 42/2015/TT-NHNN)
3. Giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở
- Các loại giấy tờ có giá được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận giao dịch nghiệp vụ thị trường mở phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Có thể chuyển nhượng và nằm trong danh Mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch qua nghiệp vụ thị trường mở;
+ Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên;
+ Được phát hành bằng đồng Việt Nam;
+ Lưu ký trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước hoặc lưu ký tại tài Khoản khách hàng của Ngân hàng Nhà nước tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam trước khi đăng ký bán giấy tờ có giá cho Ngân hàng Nhà nước;
+ Thời hạn còn lại của giấy tờ có giá trong giao dịch mua, bán có kỳ hạn phải lớn hơn thời hạn giao dịch mua, bán có kỳ hạn theo thông báo của Ngân hàng Nhà nước; Giấy tờ có giá chỉ được đăng ký bán trước ngày đăng ký cuối cùng thanh toán lãi và gốc giấy tờ có giá đáo hạn.
- Danh Mục các loại giấy tờ có giá được giao dịch nghiệp vụ thị trường mở, tỷ lệ chênh lệch giữa giá trị giấy tờ có giá tại thời điểm định giá với giá thanh toán do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.
(Điều 10 Thông tư 42/2015/TT-NHNN)
Diễm My
- Từ khóa:
- nghiệp vụ thị trường mở