Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quản lý, sử dụng như thế nào? - Thạch Thảo (Bình Thuận)
Quy định sử dụng hộ chiếu ngoại giao với công chức của Kiểm toán nhà nước (Hình từ internet)
Kiểm toán Nhà nước ban hành Quyết định 1416/QĐ-KTNN năm 2022 Quy định về sử dụng và quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức của Kiểm toán nhà nước.
1. Nguyên tắc sử dụng, quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ với CBCCVC của Kiểm toán nhà nước
- Hộ chiếu là giấy tờ thuộc quyền sở hữu của Nhà nước, do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam sử dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, chứng minh quốc tịch và nhân thân. Việc sử dụng và quản lý hộ chiếu của CBCCVC thuộc Kiểm toán nhà nước phải được thực hiện theo Quy định này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Việc sử dụng hộ chiếu không được gây thiệt hại đến uy tín và lợi ích của Kiểm toán nhà nước và của Nhà nước Việt Nam.
- CBCCVC của Kiểm toán nhà nước sử dụng và quản lý hộ chiếu sai quy định, sai mục đích thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Trách nhiệm của người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
- Người được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ trong trường hợp đi nước ngoài theo quyết định cử đi công tác nước ngoài của Tổng Kiểm toán nhà nước, trừ trường hợp đi học tập ở nước ngoài với thời hạn trên 06 tháng.
- Việc sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đi công tác nước ngoài phù hợp với quyết định cử đi công tác và tính chất công việc thực hiện ở nước ngoài.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhập cảnh Việt Nam sau khi kết thúc chuyến công tác nước ngoài, phải nộp hộ chiếu cho đơn vị quản lý hộ chiếu để quản lý, trừ trường hợp có lý do chính đáng do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
- Khi thay đổi cơ quan làm việc, phải báo cáo cơ quan, người quản lý hộ chiếu nơi chuyển đi và chuyển đến để thực hiện việc quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ theo quy định.
- Không được sử dụng hộ chiếu để đi nước ngoài với mục đích cá nhân.
3. Trách nhiệm của đơn vị có thẩm quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ
- Vụ Hợp tác quốc tế là đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, có trách nhiệm như sau:
+ Quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ của cán bộ, công chức, viên chức Kiểm toán nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình;
+ Quản lý hộ chiếu ngoại giao của vợ hoặc chồng Tổng Kiểm toán nhà nước và Phó Tổng Kiểm toán nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình cùng đi theo hành trình công tác.
- Trình tự, thủ tục quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ được quy định như sau:
+ Lập sổ theo dõi việc giao, nhận hộ chiếu và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hộ chiếu khi được lưu giữ tại đơn vị quản lý hộ chiếu;
+ Bàn giao hộ chiếu cho người được cấp khi có quyết định cử đi công tác nước ngoài. Việc bàn giao hộ chiếu phải có ký nhận;
+ Chuyển hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu mới khi người được cấp hộ chiếu được điều chuyển công tác;
+ Báo cáo bằng văn bản cho cơ quan, người có thẩm quyền về việc người được cấp hộ chiếu cố tình không giao hộ chiếu cho cơ quan, người quản lý hộ chiếu, sử dụng hộ chiếu không đúng quy định;
+ Thông báo ngay bằng văn bản cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao và Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an về việc hộ chiếu do cơ quan mình quản lý bị mất, bị hỏng;
+ Chuyển cho cơ quan cấp hộ chiếu thuộc Bộ Ngoại giao để hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người không còn thuộc đối tượng được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, bao gồm cả những người đã nghỉ hưu, thôi việc, ra khỏi biên chế, bị chết, bị mất tích;
+ Báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý vi phạm đối với việc sử dụng và quản lý hộ chiếu không đúng mục đích.
Xem thêm tại Quyết định 1416/QĐ-KTNN ngày 09/11/2022.
Diễm My
- Từ khóa:
- hộ chiếu ngoại giao
- hộ chiếu công vụ