Bổ sung thêm hai trường hợp không được sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản; quy định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (gồm thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là hai triệu đồng đối với hồ sơ mời thầu và một triệu đồng đối với hồ sơ yêu cầu là điểm mới được quy định tại Thông tư 58/2016/TT-BTC về sử dụng vốn nhà nước để mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước.
Quy định cụ thể nội dung mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ
Theo Thông tư 58 nội dung mua sắm bao gồm:
- Mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị và phương tiện làm việc của các cơ quan và cán bộ, công chức, viên chức nhà nước;
- Mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn, phục vụ an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy;
- Mua sắm nguyên nhiên liệu, xăng dầu, hóa chất, dược liệu, sinh phẩm chẩn đoán invitro, vật tư, vật liệu tiêu hao, công cụ, dụng cụ bảo đảm hoạt động thường xuyên;
- May sắm trang phục ngành, trang phục phục vụ hoạt động đặc thù của ngành, lĩnh vực theo quy định (như: quần áo bác sỹ, y tá, quần áo bệnh nhân, phạm nhân và các loại trang phục đặc thù của ngành nghề khác), bảo hộ lao động (gồm cả mua sắm vật liệu, mẫu thiết kế và công may);
- Mua sắm các sản phẩm công nghệ thông tin gồm: Máy móc, thiết bị, phụ kiện, phần mềm và các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin khác, bao gồm cả lắp đặt, chạy thử, bảo hành (nếu có) thuộc dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn sự nghiệp theo quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
- Sản phẩm in, tài liệu, biểu mẫu, ấn phẩm, ấn chỉ, tem; văn hóa phẩm, sách, tài liệu, phim ảnh và các sản phẩm, dịch vụ để tuyên truyền, quảng bá và phục vụ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ;
- Dịch vụ phi tư vấn bao gồm: Thuê các dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa máy móc, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện vận chuyển; sửa chữa thường xuyên nhỏ, lẻ nhà cửa, công trình xây dựng không thuộc dự án đầu tư xây dựng cơ bản; dịch vụ thuê trụ sở làm việc, nhà trạm, ô tô phục vụ công tác, vệ sinh công nghiệp; dịch vụ xử lý chất thải; dịch vụ chăm sóc vườn hoa, cây cảnh; dịch vụ thuê đường truyền dẫn; dịch vụ bảo hiểm; dịch vụ thẩm định giá (nếu có); dịch vụ cung cấp điện, nước, điện thoại cố định; dịch vụ đào tạo, tập huấn, tổ chức hội nghị, hội thảo và các dịch vụ phi tư vấn khác;
- Dịch vụ tư vấn bao gồm: Tư vấn lựa chọn công nghệ, tư vấn để lập, phân tích, đánh giá hồ sơ dự thầu và các dịch vụ tư vấn khác trong mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị;
- Bản quyền sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ (nếu có);
- Các loại tài sản, hàng hóa, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn khác được mua sắm nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
Bổ sung thêm 2 trường hợp không được sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản
Ngoài 2 truờng hợp không được sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản theo quy định trước đây (gồm mua sắm vật tư, trang thiết bị thuộc dự án đầu tư và mua sắm trang thiết bị, phương tiện đặc thù, chuyên dùng cho quốc phòng, an ninh) Thông tư 58/2016 bổ sung thêm 02 trường hợp là:
- Mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài để phục vụ hoạt động thường xuyên của các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài;
- Trường hợp mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong nội dung mua sắm nhưng thuộc Danh Mục mua sắm tập trung cấp quốc gia và Danh Mục mua sắm tập trung của Bộ, ngành, địa phương thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định 63/2014/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn.
Thu không quá 2.000.000 đối với hồ sơ mời thầu
- Căn cứ quy mô, tính chất của gói thầu, cơ quan, đơn vị mời thầu quyết định mức giá bán một bộ hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu (bao gồm cả thuế) đối với đấu thầu trong nước nhưng tối đa là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng) đối với hồ sơ mời thầu (trước đây quy định giá một bộ hồ sơ mời thầu không quá 1.000.000 đồng) và 1.000.000 đồng (một triệu đồng) đối với hồ sơ yêu cầu; đối với đấu thầu quốc tế, mức giá bán theo thông lệ đấu thầu quốc tế.
- Trường hợp nhà thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu thì cơ quan, đơn vị mời thầu được phép thu của nhà thầu để bảo đảm chi phí cho việc xem xét giải quyết xử lý kiến nghị đó. Mức thu bằng 0,02% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị nhưng tối thiểu là 1.000.000 đồng (một triệu đồng) và tối đa là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Như vậy, so với quy định cũ mức thu tăng 0.01% (quy định cũ mức thu 0,01% giá dự thầu của nhà thầu có kiến nghị), mức giá tối thiểu giảm chỉ còn 1.000.000 đồng.
- Các Khoản thu về bảo đảm dự thầu theo quy định tại Điều 11 Luật Đấu thầu, thu về bảo đảm thực hiện hợp đồng quy định tại Điều 66 Luật Đấu thầu.
- Từ khóa:
- Thông tư 58/2016/TT-BTC