Ngày 12/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 09/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA. Theo đó, bổ sung một số quy định về đấu thầu mua sắm theo CPTPP, EVTFA như sau:
- Chú ý: Hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử
- Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Campuchia giai đoạn 2021-2022
Quy định mới về đấu thầu mua sắm theo CPTPP, EVFTA (Ảnh minh họa)
1. Bổ sung quy định về đấu thầu nội khối, đấu thầu quốc tế
Khoản 3 Điều 1 Nghị định 09/2022 quy định rõ:
- Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp dịch vụ, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:
+ Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu;
+ Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu;
+ Đối với gói thầu quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu nội khối tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu;
+ Đối với gói thầu cung cấp dịch vụ thuộc mã CPC 75231 (các dịch vụ mạng dữ liệu), CPC 75232 (các dịch vụ thông tin và tin nhắn điện tử), CPC 84 (dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan) quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm quyết định cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu trong nước tham dự thầu.
- Trường hợp tổ chức đấu thầu nội khối đối với gói thầu cung cấp hàng hóa, cơ quan mua sắm thực hiện như sau:
+ Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu;
+ Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên Hiệp định CPTPP chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP tham dự thầu;
+ Đối với gói thầu cung cấp hàng hóa quy định tại Phụ lục III kèm theo Nghị định 09/2022, cơ quan mua sắm quyết định cho phép các nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên Hiệp định CPTPP, các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu hoặc chỉ cho phép nhà thầu thuộc các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên EU, Vương quốc Anh, Bắc Ai-len tham dự thầu.
Trước đây chỉ quy định trường hợp đấu thầu nội khối đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, chỉ cho phép nhà thầu nội khối chào hàng hóa có xuất xứ từ các Nước thành viên tham dự thầu.
2. Bổ sung điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu mua sắm
Theo khoản 5 Điều 1 Nghị định 09/2022 quy định:
- Bổ sung 02 điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu là tổ chức:
+ Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.
+ Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.
- Bổ sung 02 điều kiện về tư cách hợp lệ của nhà thầu là cá nhân:
+ Không chịu phán quyết cuối cùng của tòa án về việc phạm tội nghiêm trọng hoặc các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.
+ Không có bằng chứng về việc nhà thầu có hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp trong vòng 03 năm trước thời điểm đóng thầu.
3. Bổ sung quy định về đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu
Cụ thể, bổ sung quy định: Trường hợp đối với tập đoàn kinh tế nhà nước của Việt Nam, nếu sản phẩm, dịch vụ thuộc gói thầu là ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của tập đoàn và là đầu ra của công ty này, đồng thời là đầu vào của công ty kia trong tập đoàn thì tập đoàn, các công ty con của tập đoàn được phép tham dự quá trình lựa chọn nhà thầu của nhau. Nhà thầu tham dự thầu không phải đáp ứng quy định độc lập về pháp lý và tài chính đối với nhà thầu tư vấn cho gói thầu đó nếu nhà thầu tư vấn cũng là công ty con thuộc tập đoàn.
4. Bổ sung quy định về biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi
Theo khoản 8 Điều 1 Nghị định 09/2022 bổ sung quy định:
- Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục I và Phụ lục III kèm theo Nghị định 09/2022, thời kỳ chuyển đổi như sau:
+ Kể từ ngày 01/8/2020 đến ngày 13/01/2029, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 95/2020.
Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 40% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình;
+ Kể từ ngày 14/01/2029 đến ngày 31/7/2038, cơ quan mua sắm áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 95/2020.
Người có thẩm quyền có trách nhiệm xác định tổng giá trị ưu đãi trong nước trong một năm, không vượt quá 30% tổng giá hợp đồng các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình;
+ Kể từ ngày 01/8/2038 trở đi, cơ quan mua sắm không được áp dụng các biện pháp ưu đãi trong nước đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này trong phạm vi quản lý của mình.
- Đối với gói thầu nêu tại Phụ lục II kèm theo Nghị định 09/2022, thời kỳ chuyển đổi thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 6 và 7 Điều 15 Nghị định 95/2020.
Xem thêm tại Nghị định 09/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 12/01/2022.
Bảo Ngọc
- Từ khóa:
- đấu thầu mua sắm