Quy định kiểm tra vệ sinh thú y theo Luật Thú y

Tôi kinh doanh nhỏ lẻ về thịt động vật. Xin hỏi là việc kiểm tra vệ sinh thú y được quy định thế nào? - Văn Phát (Đồng Nai)

Quy định kiểm tra vệ sinh thú y theo Luật Thú y

Quy định kiểm tra vệ sinh thú y theo Luật Thú y

1. Kiểm tra vệ sinh thú y là gì? 

Kiểm tra vệ sinh thú y là việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y.

(Khoản 17 Điều 3 Luật Thú y 2015)

2. Quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y

Căn cứ Điều 68 Luật Thú y 2015 quy định về quy định chung về kiểm tra vệ sinh thú y như sau:

-  Kiểm tra vệ sinh thú y phải được thực hiện trong quá trình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ động vật trên cạn, sơ chế, chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật.

- Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thực hiện kiểm tra, giám sát yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng có trong Danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; phân tích nguy cơ, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật.

- Nội dung kiểm tra vệ sinh thú y:

+ Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện yêu cầu vệ sinh thú y đối với các đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y;

+ Áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y;

+ Kết luận và xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu vệ sinh thú y

3.1. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật

Tại Điều 69 Luật Thú y 2015 quy định về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ động vật trên cạn; cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm động vật như sau:

- Cơ sở giết mổ động vật tập trung:

+ Địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương;

+ Thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo;

+ Trang thiết bị, dụng cụ, nước cho việc giết mổ động vật phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

+ Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

- Cơ sở giết mổ động vật nhỏ lẻ:

+ Địa điểm phải tách biệt với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm;

+ Trang thiết bị, dụng cụ phù hợp để giết mổ, không gây độc hại, ô nhiễm cho sản phẩm động vật;

+ Có đủ nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y phục vụ cho việc giết mổ động vật;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Người trực tiếp tham gia giết mổ động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện các quy trình vệ sinh trong quá trình giết mổ.

- Cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật để kinh doanh:

+ Có địa điểm, diện tích thích hợp, khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác;

+ Thiết kế các khu vực riêng biệt để ngăn ngừa ô nhiễm chéo;

+ Trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc sơ chế, chế biến sản phẩm động vật;

+ Có hệ thống xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Quy trình sơ chế, chế biến phải bảo đảm sản phẩm không bị ô nhiễm chéo, tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm hoặc độc hại;

+ Người trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến sản phẩm động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện quy trình vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến.

- Cơ sở sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật nhỏ lẻ:

+ Có khoảng cách bảo đảm không bị ô nhiễm bởi các tác nhân gây hại;

+ Trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

+ Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ cho việc sơ chế, chế biến sản phẩm động vật;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Người trực tiếp tham gia sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật phải tuân thủ quy định về sức khỏe và thực hiện quy trình vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến.

3.2. Yêu cầu vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật

Tại Điều 70 Luật Thú y 2015 quy định về yêu cầu vệ sinh thú y trong vận chuyển động vật, sản phẩm động vật như sau:

- Phương tiện vận chuyển động vật:

+ An toàn kỹ thuật để bảo vệ động vật trong quá trình vận chuyển;

+ Bảo đảm không để thoát nước thải và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển;

+ Dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;

+ Đối với phương tiện vận chuyển kín phải có hệ thống cung cấp dưỡng khí hoặc thông khí thích hợp.

- Phương tiện vận chuyển, vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật:

+ An toàn kỹ thuật để bảo đảm chất lượng của sản phẩm động vật không bị ảnh hưởng xấu trong quá trình vận chuyển;

+ Mặt trong của vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;

+ Vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải kín để bảo quản sản phẩm không bị ô nhiễm từ môi trường bên ngoài và ngược lại;

+ Đáp ứng yêu cầu nhiệt độ bảo quản đối với từng loại sản phẩm động vật trong suốt quá trình vận chuyển.

- Nước thải, chất thải trong quá trình vận chuyển phải được thu gom, xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3.3. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật

Yêu cầu vệ sinh thú y đối với chợ kinh doanh, cơ sở thu gom động vật quy định tại Điều 71 Luật Thú y 2015 như sau:

- Chợ chuyên kinh doanh động vật:

+ Địa điểm phải theo quy hoạch của chính quyền địa phương;

+ Có khu vực riêng biệt đối với từng loài động vật;

+ Trang thiết bị, dụng cụ, nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

+ Thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo quy định.

- Chợ kinh doanh động vật nhỏ lẻ:

+ Địa điểm tách biệt với các ngành hàng khác;

+ Thuận lợi cho việc vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, thu gom, xử lý nước thải, chất thải.

- Cơ sở thu gom động vật:

+ Địa điểm cách biệt với khu dân cư, khu vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các công trình công cộng;

+ Có khu vực riêng biệt đối với từng loài động vật;

+ Trang thiết bị, dụng cụ, nước bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

3.4. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật

Tại Điều 72 Luật Thú y 2015 quy định về yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật như sau:

- Cơ sở kinh doanh sản phẩm động vật:

+ Phương tiện bày bán, vật dụng chứa đựng sản phẩm động vật phải được làm bằng vật liệu không gỉ, không làm ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm, dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc;

+ Có biện pháp bảo quản thích hợp để sản phẩm động vật không bị mất an toàn thực phẩm, biến chất;

+ Địa điểm và vật dụng dùng trong kinh doanh sản phẩm động vật phải được vệ sinh sạch trước, trong và sau khi bán, định kỳ khử trùng, tiêu độc;

+ Kho, thiết bị bảo quản sản phẩm động vật phải tuân thủ các quy định theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng;

+ Nước thải, chất thải trong quá trình kinh doanh sản phẩm động vật phải được xử lý bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Cơ sở kinh doanh, sản phẩm động vật với mục đích làm thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật Thú y 2015 và theo pháp luật về an toàn thực phẩm.

3.5. Yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật động vật

Tại Điều 73 Luật Thú y 2015 quy định yêu cầu vệ sinh thú y đối với cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán, phẫu thuật động vật như sau:

- Cơ sở xét nghiệm, chẩn đoán bệnh động vật:

+ Địa điểm cách biệt với khu dân cư, công trình công cộng;

+ Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất phù hợp;

+ Có nơi riêng biệt để nuôi giữ động vật;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Cơ sở phẫu thuật động vật:

+ Có đủ diện tích, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, dụng cụ, hóa chất;

+ Có nơi nuôi giữ động vật trước và sau phẫu thuật;

+ Có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngọc Nhi

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
5346 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;