Gần đây dư luận nói chung và người dân đang sinh sống tại các chung cư nói riêng đều bày tỏ sự bức xúc về nội quy chung cư mới mang tên “Cấm nuôi chó, mèo trong chung cư” do các ban quản lý chung cư ban hành.
Một phần chúng ta đã quá quen thuộc nghiệp vụ “thổi phồng, giật tít” từ báo chí và mặt khác, quy định này có nguyên nhân xuất phát từ các cách hiểu khác nhau của mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư tại phần phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD. Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 2 của Phụ lục 01 Thông tư có quy định:
...
4. Chăn, thả, nuôi gia súc, gia cầm trong nhà chung cư.
Đặt vấn đề rằng, liệu thú cưng của bạn có nằm trong sự điều chỉnh của quy định này không?
Chó, mèo, thú cưng có nằm trong nhóm gia súc, gia cầm?
Theo định nghĩa chung từ Wikipedia Tiếng Việt,
Gia súc là tên dùng để chỉ một hoặc nhiều loài động vật có vú được thuần hóa và nuôi vì mục đích để sản xuất hàng hóa như lấy thực phẩm, chất xơ hoặc lao động. Việc chăn nuôi gia súc là một bộ phận quan trọng trong nền nông nghiệp.
Gia cầm là tên gọi chỉ chung cho các loài động vật có hai chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người nuôi giữ, nhân giốngnhằm mục đích sản xuất trứng, lấy thịt hay lông vũ. Những loài gia cầm điển hình gồm gà, vịt, ngan, ngỗng.
Đây cũng là cách hiểu truyền thống “gia súc, gia cầm nuôi để thịt”, một trong các yếu tố nhằm phân loại gia súc, gia cầm với các loại vật nuôi khác đó là mục đích thuần hóa, nuôi vì mục đích sản xuất nhằm lấy thực phẩm, lấy lông, trứng, lao động… Ở đây không bao gồm mục đích nuôi thú kiểng, nuôi thú cưng bầu bạn như xu hướng nuôi chó, mèo tại các chung cư hiện nay.
Pháp lệnh Thú y 2004 trước đây và Luật Thú y 2015 hiện nay không đưa ra định nghĩa cụ thể cho khái niệm gia súc, gia cầm. Theo một số văn bản Quyết định UBND các tỉnh trong công tác kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm như Quyết định 50/2013/QĐ-UBND tỉnh Nghệ An, Quyết định 47/2014/QĐ-UBND tỉnh Quảng Nam và một số địa bàn khác, đều đưa ra giải thích tương tự:
Gia cầm gồm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, bồ câu, chim cút, đà điểu, chim cảnh, chim yến.
Và các hành vi chăn nuôi theo quy định đều gắn với quy mô và hình thức sản xuất kinh doanh nhất định gồm có: siêu lớn, lớn, vừa, nhỏ, siêu nhỏ hộ gia đình. Có thể thấy nội dung quy định phù hợp với tư duy trên, “thú cưng nuôi để bầu bạn” không đồng nhất về cách hiểu cũng như mục đích nuôi như với “gia súc, gia cầm”.
Như vậy, cho tới khi cơ quan chức năng chưa ban hành cụ thể một văn bản hướng dẫn hoặc quy định rõ ràng, “cấm nuôi gia súc, gia cầm và thú cưng (chó, mèo, chim, chuột…) trong chung cư” thì quy định cấm nuôi chó, mèo và thú cưng nói chung trong chung cứ là không có căn cứ pháp luật.
Người nuôi thú cưng cũng cần phải nắm quy định pháp luật
Thú cưng không đơn thuần là vật nuôi mà đôi khi có ý nghĩa như một thành viên nhỏ trong gia đình. Tuy nhiên, người nuôi thú cưng nói chung, và chủ nuôi trong chung cư nói riêng và cũng cần phải nắm quy định pháp luật để không bị “mời lên phường” vì hàng xóm xung quanh phản ánh.
Thứ nhất, nuôi thú cưng nhằm mục đích kinh doanh (mua, bán) sẽ bị xếp vào nhóm gia súc, già cầm theo quy định và tùy mức độ thiệt hại có khả năng bị yêu cầu giải tán, bồi thường và buộc di dời ra khỏi chung cư. Hình thức xử lý vi phạm cụ thể sẽ do ban quản lý chung cư xây dựng dựa trên Điều 8 Mẫu nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, các biện pháp cắt điện, cắt nước...có khả năng được áp dụng. Ngoài ra, nên hạn chế nuôi số lượng lớn vì không chỉ làm ảnh hưởng đến hàng xóm, xung quanh mà còn có thể bị “hiểu nhầm” nuôi với mục đích kinh doanh, phát sinh các phiền phức pháp lí không đáng có.
Thứ hai, người nuôi thú cưng đặc biệt là chó nên có trách nhiệm huấn luyện thú cưng của mình, bảo vệ môi trường, phòng bệnh dại định kỳ tránh thú cưng cắn người khác, gây thiệt hại cho tài sản người khác hoặc gây quá nhiều tiếng ồn. Có thể tham khảo quy định tại Điều 6 Nghị định 05/2007/NĐ-CP và Mục 2 Phụ lục 15 Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT, trách nhiệm dân sự của chủ nuôi quy định tại Điều 625 Bộ Luật Dân sự 2005, trách nhiệm hành chính tại Nghị định 167/2013/NĐ-CP.