Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã thông qua 07 Nghị quyết

Vừa qua, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua 07 nghị quyết liên quan đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, tài chính, đầu tư công trung hạn, ngân sách Nhà nước,…với một số nội dung đáng chú ý như sau:

 

  1. Nghị quyết 23/2016/QH14 ngày 07/11/2016 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017

Với hàng loạt mục tiêu như: ổn định kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, khuyến khích khởi nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo đời sống Nhân dân, phát triển văn hóa, giáo dục, thực hiện dân chủ và tiến bộ, công bằng xã hội;...Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu quan trọng như:

  • Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%.
  • Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6 - 7%.
  • Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 3,5%.
  • Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%.
  • Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
  • Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55 - 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có chứng chỉ đạt 22,5%.
  • Số giường bệnh trên một vạn dân đạt 25,5 giường (không tính giường trạm y tế xã).
  • Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 82,2%.

Nhìn chung, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong báo cáo thẩm tra, các báo cáo giám sát chuyên đề; đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

 

  1. Nghị quyết 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020

Thông qua Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch Quốc hội đã có quan điểm thống nhất với quan điểm cơ cấu lại nền kinh tế của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh:

  • Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, nhất là Nghị quyết 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XII);
  • Chú trọng tổ chức thực hiện các giải pháp, chính sách cụ thể, đo lường đươc kết quả, kịp thời theo thị trường;
  • Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với cải cách bộ máy chính quyền, bộ máy hành chính, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ công;
  • Tổ chức thực hiện tốt các hiệp định thương mai tự do FTA;
  • Gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo vệ và phục hồi môi trường theo mô hình kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
  1.  Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020

Theo kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia tại Nghị quyết 25/2016/QH14, Quốc hội thống nhất mục tiêu phấn đấu tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn trước (2011-2015); đảm bảo tỷ lệ huy động vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP; tỷ trọng thu nội địa bình quân khoảng 84-85% tổng thu NSNN.

Về vấn đề nợ công, đảm bảo an toàn với mục tiêu:

  • Nợ công hằng năm không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 54%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP;
  • Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ;
  • Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu NSNN hằng năm.
  1. Nghị quyết 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020

Theo như nội dung Nghị quyết 26 đã nêu, Quốc hội đã thông qua 2 triệu tỷ đồng để đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể:

  • Vốn ngân sách trung ương là 1.120.000 tỷ đồng (vốn nước ngoài 300.000 tỷ đồng, vốn trong nước 820.000 tỷ đồng). 
  • Vốn cân đối ngân sách địa phương là 880.000 tỷ đồng.

Theo đó, bố trí 72.817 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN để thực hiện 02 chương trình mục tiêu quốc gia là:

  • Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 43.119 tỷ đồng;
  • Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là 29.698 tỷ đồng.

Và bố trí 5.000 tỷ đồng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia khác.

  1. Nghị quyết 27/2016/QH14 ngày 11/11/2016 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017

Điều chỉnh mức lương cơ sở lên 1.300.000 đồng/tháng là nội dung quan trọng được đề cập tại Nghị quyết 27/2016/QH14. Theo đó:

  • Từ ngày 01/7/2017 thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1.210.000 đồng/tháng lên 1.300.000 đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức lương cơ sở.
  • Các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương trên cơ sở dự toán NSNN được giao tự cân đối để bố trí nguồn tăng mức lương cơ sở;
  • Ngân sách trung ương đảm bảo kinh phí điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công; hỗ trợ một phần tiền lương tăng thêm cho một số địa phương ngân sách khó khăn không cân đối được nguồn theo quy định của Chính phủ.

 

  1. Nghị quyết 28/2016/QH14 ngày 11/11/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Tại Nghị quyết 28/2016/QH14 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) có nhiều nội dung quan trọng đáng lưu ý. Đó là:

  • Sửa đổi miễn thuế SDĐNN đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp cho các đối tượng sau:
    • Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất;
    • Hộ gia đình, cá nhân là thành viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp, nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật;
    • Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp góp quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
  • Bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
  • Thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01/01/2017 đến hết ngày 31/12/2020.
  • Từ ngày 01/01/2017 không còn áp dụng quy định giảm tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp cho các đối tượng đã nêu tại Nghị quyết 55/2010/QH12 nữa.
  1. Nghị quyết 29/2016/QH14 ngày 14/11/2016 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2017

Nghị quyết 29/2016/QH14 nêu ra tổng số thu và chi cân đối ngân sách trung ương năm 2017 như sau:

  • Tổng thu cân đối là 729.730 tỷ đồng (ngân sách trung ương); 482.450 tỷ đồng (ngân sách địa phương);
  • Tổng chi cân đối ngân sách trung ương là: 902.030 tỷ đồng, trong đó dự toán 254.630 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Từ đó đưa ra kế hoạch phân bổ ngân sách trung ương năm 2017:

  • Phân bổ ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực và chi tiết từng bộ, cơ quan trung ương theo các Phụ lục 1,2 và 6 kèm theo Nghị quyết này;
  • Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; số bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương theo phụ lục số 3, 4 và 6 kèm theo Nghị quyết.
  • Mức bội thu ngân sách, mức vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc (nếu có) của từng địa phương theo phụ lục 5 kèm theo Nghị quyết.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
828 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;