Quảng cáo qua tin nhắn đang là hình thức quảng cáo phổ biến và hiệu quả. Vậy một tin nhắn quảng cáo như thế nào thì được coi là phù hợp với quy định của pháp luật về quảng cáo?
Quảng cáo qua tin nhắn: Những lưu ý quan trọng từ ngày 01/10/2020 (Ảnh minh hoạ)
Theo Điều 14 Nghị định 91/2020/NĐ-CP thì một tin nhắn mang nội dung quảng cáo phải đủ 3 tiêu chí sau:
1. Tin nhắn quảng cáo phải được gắn nhãn theo quy định, cụ thể:
Mọi tin nhắn quảng cáo đều phải gắn nhãn, nhãn của tin nhắn quảng cáo có thể có dạng [QC] hoặc [AD] và được đặt ở vị trí đầu tiên trong phần nội dung tin nhắn.
2. Trường hợp quảng cáo cho các dịch vụ có thu cước thì phải cung cấp đầy đủ thông tin về giá cước trong nội dung tin nhắn quảng cáo.
3. Có chức năng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo. Cụ thể:
- Hình thức từ chối nhận tin nhắn quảng cáo phải bao gồm từ chối bằng tin nhắn, từ chối qua gọi điện thoại.
- Phần thông tin cho phép Người sử dụng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện sau:
-
Đặt ở cuối tin nhắn quảng cáo và được thể hiện một cách rõ ràng;
-
Phải có phần hướng dẫn Người sử dụng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo mà người sử dụng đã đăng ký trước đó;
-
Trong trường hợp cần thiết, người quảng cáo bằng tin nhắn có thể cung cấp khả năng từ chối bổ sung như từ chối một sản phẩm hoặc từ chối một nhóm sản phẩm;
-
Có hướng dẫn rõ ràng về việc từ chối và các hình thức từ chối.
- Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, Người quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến Người sử dụng.
Lưu ý: Thông tin xác nhận phải có nội dung thông báo đã nhận được yêu cầu từ chối, thời gian nhận yêu cầu từ chối và thời điểm ngừng gửi tin nhắn quảng cáo. Ngoài ra, thông tin xác nhận chỉ được gửi thành công một lần và không chứa thông tin quảng cáo.
Lê Hậu
- Từ khóa:
- Nghị định 91/2020/NĐ-CP