Ngày 29-5-2017, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) với nhiều ý kiến khác nhau. Theo kế hoạch, ngày 21-6-2017, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua luật này. Cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy một cách tiếp cận khác về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản nhà nước hiện nay.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập
TBKTSG: Vấn đề nổi cộm trong việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công) là sự thất thoát, lãng phí. Theo ông, chúng ta nên nhìn nhận căn nguyên của việc này như thế nào, để từ đó mới có biện pháp giải quyết từ gốc?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Có thể nói đất nước đang có nhiều vấn đề “nổi cộm” mà “thất thoát, lãng phí” chỉ là một. Nhìn vào căn nguyên, trước hết là căn bệnh về đạo đức và thứ hai là căn bệnh của cơ chế. Ở nhiều nước như chúng ta biết, ai đó làm thất thoát hay lãng phí bất cứ tài sản gì, chưa nói là tài sản công, thì trước hết bị xã hội lên án về đạo đức. Ở nước ta, nạn lãng phí thất thoát tài sản nhà nước bắt đầu từ cơ chế lãnh đạo, quản trị.
Về học thuật, người ta gọi đó là cơ chế tập thể và đồng thuận đa số. Mặt phải của cơ chế này là tạo được sự ủng hộ chung cho mọi quyết sách, nhưng mặt trái của nó là không có khả năng quy trách nhiệm cho ai cả, lâu dần dẫn đến vô trách nhiệm trên phạm vi đại trà. Một cá nhân có đạo đức sẽ biết giữ gìn và tiết kiệm tài sản công, bởi đó là tôn trọng công lao, sức lực của mọi người khác. Nhưng trong khi tôi làm điều đó mà những người khác cứ phá tán và lại không bị sao cả, thì tôi có giữ gìn và tiết kiệm mãi được không?
Do đó, một khi nhìn nhận nghiêm túc rằng nếu cứ “thất thoát và lãng phí” mãi như thế này thì đất nước ta sẽ không bao giờ giàu có lên được thì theo tôi phải xử lý cả hai vấn đề: tiếp tục giáo dục về đạo đức và thay đổi cơ chế. Nếu chỉ thực hiện một trong hai việc đó, hay tiến hành không đồng thời và đồng bộ thì các căn bệnh và vấn nạn nói trên sẽ không bao giờ chấm dứt được.
TBKTSG: Dưới góc nhìn trên, ông bình luận như thế nào về những sửa đổi thể hiện trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) hiện nay?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Nhìn vào các nỗ lực của Quốc hội trong việc sửa đổi, ban hành luật để xử lý nạn thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước thì ta thấy sự bức xúc lớn từ các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, câu hỏi là sửa đổi và ban hành luật hay sử dụng biện pháp lập pháp nói chung có giải quyết được vấn đề không?
Trước hết là tham vọng và kỳ vọng quá lớn với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước năm 2008, từ quản lý trụ sở, trang thiết bị và phương tiện của các cơ quan, tổ chức nhà nước đến toàn bộ các tài sản thuộc sở hữu toàn dân, bao gồm cả công trình kết cấu hạ tầng và tài nguyên, đất đai. Cá nhân tôi rất nghi ngờ về cách tiếp cận mới này, bởi nó thiếu sự phân định đối tượng, mục tiêu và phương thức quản lý một cách rành mạch.
Ngoài ra, với việc luật trước đây có đối tượng tài sản hẹp và rõ hơn mà còn chưa quản lý hiệu quả thì nay mở rộng ra, đồng nghĩa với tăng tính phức tạp lên, thì liệu có cách nào để bảo đảm tính thực thi?
Về nguyên lý, công cụ luật pháp luôn luôn có giới hạn của nó, đặc biệt trong điều kiện của nước ta, khi cả kỷ cương và văn hóa tôn trọng và tuân thủ pháp luật đã cơ bản bị phá vỡ. Chưa nói tới một thực tế là nhiều năm trước đây, khi không có một đạo luật riêng về quản lý, sử dụng tài sản công mà chỉ có các văn bản dưới luật thì tình trạng thất thoát, lãng phí vẫn không nghiêm trọng hơn so với thời gian gần đây, kể từ khi luật năm 2008 được ban hành. Bên cạnh đó, về phương diện kỹ thuật, đọc dự thảo luật lần này, chúng ta thấy bóng dáng của rất nhiều luật chuyên ngành khác, vốn đã và đang được áp dụng cho các cơ chế quản lý về tài sản đặc thù và khác nhau như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, Luật Đầu tư công... Điều này e rằng sẽ dẫn đến một hệ quả khó tránh là luật mới này sẽ trở thành một “luật ống” và “luật khung”, như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngày trước đã cảnh báo, và như vậy khó đi vào cuộc sống.
Xin lưu ý rằng để soạn thảo, ban hành một đạo luật có thể chỉ mất thời gian tính bằng tháng nhưng để tổ chức thực thi được nó thì phải cần tới nhiều năm. Do đó, cách tiếp cận của việc xây dựng luật mới với phạm vi quá rộng và phức tạp như vậy, giống như việc phá bỏ căn nhà cũ để xây lại, sẽ có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí hơn nữa đối với các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vốn còn lại đến nay không nhiều.
TBKTSG: So với trước đây, dự thảo luật có điểm mới là cho phép khai thác nguồn lực sẵn có từ tài sản nhà nước tại đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội để cùng với Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác nguồn lực tài sản công. Quá trình này đặt ra yêu cầu quản lý rất mới, với nhiều thách thức nếu nhìn lại những vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Ông hình dung việc quản lý quá trình này sẽ như thế nào?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về thực chất, các giải pháp nói trên trong dự thảo luật là tạo ra cơ sở pháp lý cho đồng quản lý, đồng sở hữu hay nói một cách khác là tình trạng hỗn hợp trong cả sở hữu và quản lý các tài sản công, đặc biệt là các tài sản hữu hình như trụ sở và phương tiện phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và các công trình kết cấu hạ tầng. Trong phạm vi nhất định, điều này là hợp thức hóa hiện trạng trong một số lĩnh vực và ở một số địa phương hay cơ quan, tổ chức đã triển khai.
Tuy nhiên, nếu đi theo xu hướng này, các cơ quan nhà nước cần lường trước các thách thức không nhỏ, xét cả về phương diện quản lý tài sản cho mục tiêu bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình để chống thất thoát, lãng phí, cũng như các rủi ro tiềm tàng về pháp lý. Đối với các đối tượng tài sản công cụ thể, một khi có sự tham gia của sở hữu tư nhân thì một khung pháp luật khác sẽ được áp dụng, thay cho các cơ chế quản lý hành chính, và e rằng mức độ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền quản lý, sở hữu và hưởng lợi có thể sẽ tăng lên. Do đó, cần hỏi là trong bối cảnh năng lực quản trị công của bộ máy nhà nước đang yếu kém như hiện nay thì về phương diện lập chính sách, có nên mở ra hướng đi này trong luật mới hay không?
TBKTSG: Vậy, từ góc độ nghiên cứu về pháp luật và thể chế, ông đưa ra đề xuất chính sách gì để cải thiện tình trạng quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (tài sản công) hiện nay nhằm chống thất thoát, lãng phí? Ví như người dân là chủ thì phải ứng xử với bộ máy công bộc là nhà nước trong khía cạnh này như thế nào?
- Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Quan điểm của tôi khác với cách tiếp cận của dự thảo luật. Trước hết cần phân biệt rành mạch giữa tài sản công (tức mọi tài sản của quốc gia do nhà nước tức cơ quan chính quyền các cấp làm đại diện quản lý) và các tài sản vật chất cụ thể của các cơ quan, tổ chức của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị có nguồn gốc ngân sách nhà nước và thuộc sở hữu của các cơ quan, tổ chức này.
Loại tài sản thứ nhất đã và đang được quản lý theo các luật chuyên ngành như đã nói ở trên, bởi nó gắn với các cơ chế bảo vệ đặc thù. Loại tài sản thứ hai cần được coi là một phần của tổng chi phí ngân sách để tài trợ cho chính bộ máy nhà nước. Mức chi phí này cần được khống chế theo tỷ lệ phần trăm nhất định trên GDP hoặc tổng ngân sách và trong phạm vi đó, các cơ quan, tổ chức nhà nước được toàn quyền quyết định phương án sử dụng nguồn lực được giao để bảo đảm thực thi chức năng và nhiệm vụ của mình.
Với cách tiếp cận như thế, tại sao không thể để các cơ quan, tổ chức nhà nước đi thuê trụ sở hoạt động thay vì cứ phải tự đầu tư, xây dựng, sở hữu và quản lý? Từ góc độ người dân đóng thuế, tôi tin rằng điều người dân quan tâm nhất hiện nay không phải là các tài sản công được quản lý thế nào mà làm sao giảm được tỷ lệ chi ngân sách quá lớn tới mức phi lý để nuôi bộ máy công bộc của mình, thay vì chi cho phát triển quốc kế dân sinh vì lợi ích của chính họ.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn