Giấy khám sức khỏe là một trong những giấy tờ được yêu cầu phải có trong hồ sơ xin việc, hồ sơ nhập học,…Tuy nhiên, vì “ái ngại” thủ tục rờm rà, mất thời gian mà nhiều người lựa chọn việc mua giấy khám sức khỏe giả thay vì đi khám theo đúng quy định. Vậy, hành vi này sẽ bị phạt thế nào?
Phạt nặng hành vi mua Giấy khám sức khỏe giả (Ảnh minh họa)
1. Quy định về việc khám sức khỏe
Quy trình khám sức khỏe được quy định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT như sau:
- Người có nhu cầu khám sức khỏe nộp Giấy KSK theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 14/2013/TT-BYT tại cơ sở KSK, có dán ảnh chân dung cỡ 04cm x 06cm, được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 06 (sáu) tháng tính đến ngày nộp hồ sơ KSK.
- Sau khi nhận được hồ sơ KSK, cơ sở KSK thực hiện các công việc:
-
Đối chiếu ảnh trong hồ sơ KSK với người đến KSK;
-
Đóng dấu giáp lai vào ảnh sau khi đã thực hiện việc đối chiếu theo quy định tại Điểm a Khoản này đối với các trường hợp quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
-
Kiểm tra, đối chiếu giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu đối với người giám hộ của người được KSK đối với trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư này;
-
Hướng dẫn quy trình KSK cho người được KSK, người giám hộ của người được KSK (nếu có);
-
Cơ sở KSK thực hiện việc KSK theo quy trình.
- Căn cứ vào kết quả khám của từng chuyên khoa, người được cơ sở KSK phân công thực hiện việc kết luận phân loại sức khỏe và ký Giấy KSK.
- Giấy KSK được cấp 01 (một) bản cho người được KSK. trong vòng 24 giờ kể từ khi kết thúc việc KSK có giá trị trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày ký kết luận sức khỏe.
Như vậy, các trường hợp thực hiện khám sức khỏe không đúng theo định tại Thông tư 14/2013/TT-BYT hoặc không khám được xem là mua giấy khám sức khỏe giả.
2. Mức phạt hành vi vi phạm
Hành vi mua Giấy khám sức khỏe giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Cụ thể, tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Hành vi phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau có thể bị phạt 03 năm đến 07 năm:
-
Làm 06 giấy tờ trở lên;
-
Sử dụng giấy tờ thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
-
Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Như vậy, hành vi mua giấy khám sức khỏe giả có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng hoặc thậm chí có thể bị phạt tù lên đến 07 năm căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội.
Có thể thấy, pháp luật quy định hình thức xử phạt rất nghiêm khắc đối với tội làm giả giấy khám sức khỏe. Bởi lẽ, nếu hành vi này không được ngăn cản kịp thời mà tiếp tục được nhân rộng thì sẽ gây ra những hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Nếu người mua giấy khám sức khỏe giả bị mắc bệnh nhưng không được phát hiện mà được bố trí vào những vị trí công việc không phù hợp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của họ mà còn gây ảnh hưởng đến người tuyển dụng. Vì vậy, hành vi này cần phải được ngăn cản kịp thời và xử lý thật nghiêm khắc.
Thùy Trâm
- Từ khóa:
- Thông tư 14/2013/TT-BYT
- BLHS 2015