Phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khám chữa bệnh cho quân nhân

Thông tư 46/2016/TT-BQP quy định phân tuyến chuyên môn kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh là việc phân loại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành các nhóm tương đồng nhau về chuyên môn nghiệp vụ và được xếp chung trong một hệ thống theo trình tự từ cao đến thấp.

 

Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng quản lý được phân thành 4 tuyến chuyên môn kỹ thuật tương đương với 04 tuyến khám bệnh, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT).

Tuyến 1 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trung ương

Bao gồm: (1) Bệnh viện hạng đặc biệt; (2) Bệnh viện hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng (Bệnh viện quân y 175, Viện Y học cổ truyền Quân đội); (3) Bệnh viện hạng I trực thuộc Học viện Quân y (Bệnh viện quân y 103, Viện Bỏng Quốc gia Lê Hữu Trác).

Tuyến 2 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Bao gồm: (1) Bệnh viện hạng I trực thuộc Tổng cục Hậu cần (Bệnh viện quân y 354, Bệnh viện quân y 105; Bệnh viện quân y 87); (2) Bệnh viện hạng I trực thuộc Cục Quân y: Viện Y học Phóng xạ và U bướu Quân đội); (3) Bệnh viện hạng I trực thuộc các quân khu, quân đoàn (Bệnh viện quân y 110/Quân khu 1, Bệnh viện quân y 17/Quân khu 5, Bệnh viện quân y 7A/Quân khu 7, Bệnh viện quân y 121/Quân khu 9; Bệnh viện quân y 211/Quân đoàn); (4) Bệnh viện quân y hạng II; bệnh viện quân - dân y hạng II.

Tuyến 3 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh

Bao gồm: (1) Bệnh xá quân y; bệnh xá quân - dân y; (2) Đội Điều trị; (3) Bệnh viện quân y và bệnh viện quân - dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa xếp hạng; (4) Cơ sở 2 của bệnh viện thuộc tuyến 2 không nằm trên cùng địa bàn huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; (5) Phòng khám đa khoa thuộc các cơ sở y học dự phòng Quân đội hạng I, hạng II; (6) Phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; khoa đa khoa trực thuộc các bệnh viện hoặc trực thuộc cấp quân khu và tương đương; (7) Trung tâm y tế quân - dân y.Bệnh xá Ban Cơ yếu Chính phủ.

Tuyến 4 tương đương cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, phường, thị trấn

Bao gồm: (1) Quân y đơn vị cấp tiểu đoàn; (2) Quân y các đơn vị tương tương cấp tiểu đoàn có bố trí bác sĩ, y sĩ, gồm: đại đội độc lập, đồn biên phòng, đảo không có bệnh xá, kho, trạm, trận địa, nhà giàn DK...; (3) Quân y cơ quan cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng; quân y cơ quan trung đoàn, lữ đoàn, sư đoàn; quân y hiệu bộ các học viện, nhà trường; quân y nhà máy, xí nghiệp quốc phòng...; (4) Tổ quân y có giường lưu; (5) Trạm y tế quân - dân y; phòng khám quân - dân y.

Hình ảnh minh họa

 

Việc đăng ký tuyến KCB thuộc trách nhiệm của các đơn vị và các cơ sở KCB Quân đội. Theo đó, các đơn vị sẽ liên hệ, đăng ký với cơ sở khám chữa bệnh tuyến trên để đưa cán bộ, chiến sĩ, nhân viên thuộc đơn vị mình khi bị ốm đau, bệnh tật đến KCB hoặc để chuyển bệnh nhân khi có chỉ định tức là đăng ký KCB tuyến chuyên môn kỹ thuật cao hơn theo thứ tự từ tuyến 4 lên đến tuyến 1. Tuy nhiên phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

  • Thuận lợi cho quân nhân, công nhân, viên chức quốc phòng, người làm việc trong tổ chức cơ yếu khi đi KCB;
  • Thuận lợi cho các đơn vị trong quản lý quân số và quản lý sức khỏe;
  • Phù hợp với phân cấp bậc thang điều trị của hệ thống ngành Quân y;
  • Phù hợp với hệ thống tổ chức các đơn vị Quân đội từ tuyến tiểu đoàn đến Bộ Quốc phòng;
  • Phù hợp địa bàn đơn vị đóng quân.

Thông tư 46 nêu rõ có thể đăng ký vượt tuyến nếu được sự chấp thuận của cơ sở KCB - nơi đơn vị lựa chọn đăng ký tuyến và quyết định của chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Đối với chuyển tuyến KCB từ tuyến dưới lên tuyến trên thực hiện theo trình tự từ tuyến 4 lên đến tuyến 1 thì được phép chuyển vượt tuyến nếu thuộc một trong các trường hợp:

  • Cấp cứu thuộc các địa bàn mà nếu chuyển vượt tuyến sẽ thuận lợi hơn chuyển đúng tuyến;
  • Bệnh cấp tính nặng, vượt khả năng điều trị của tuyến trên liền kề hoặc cần điều trị kỹ thuật cao.

Trường hợp chuyển tuyến KCB từ tuyến trên về tuyến dưới khi đã điều trị bệnh ổn định nhưng cần được điều trị củng cố hoặc theo nguyện vọng của người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh; được chuyển tuyến đến cơ sở KCB cùng tuyến theo yêu cầu chuyên môn hoặc theo nguyện vọng của người bệnh, người đại diện hợp pháp của người bệnh.

Đối với quân nhân chưa tham gia BHYT nếu KCB tại cơ sở dân y thì việc thanh toán chi phí thực hiện theo Quyết định 105/2008/QĐ-BQP về việc thanh toán chi phí KCB đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng khi đi KCB tại cơ sở dân y.

Thông tư 46 còn quy định về việc đăng ký KCB BHYT ban đầu đối với hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí. Theo đó, hạ sĩ quan, binh sĩ, học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại cơ sở KCB thuộc đơn vị quản lý ở tuyến 3 và tuyến 4. Nếu muốn đăng ký KCB tại tuyến 1 và 2 hoặc tại cơ sở KCB dân y tuyến huyện, tỉnh thì phải đáp ứng điều kiện là (i) Đơn vị đóng quân và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nằm cùng địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc thuộc vùng giáp ranh; (ii) Được sự nhất trí của chỉ huy đơn vị cấp trung đoàn và tương đương trở lên.

Xem chi tiết quy định tuyến chuyên môn kỹ thuật KCB; đăng ký và chuyển tuyến KCB đối với các đối tượng thuộc Bộ Quốc phòng quản lý tại Thông tư 46/2016/TT-BQP có hiệu lực áp dụng từ 18/5/2016.

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
7517 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;