Từ ngày 01/01/2016, Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 chính thức cho phép công dân nữ được tham gia NVQS, phục vụ tại ngũ.
Ảnh minh họa
Theo đó, ngoài các điều kiện theo từng trường hợp cụ thể, để tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân nữ cần đảm bảo quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ chung được quy định tại Khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP như sau:
Điều 4. Tiêu chuẩn tuyển quân
….
3. Tiêu chuẩn sức khỏe:
a) Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự.
b) Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
c) Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
Bên cạnh đó, Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP có quy định rõ cách phân loại sức khoẻ tại khoản 4 Điều 9 như sau:
4. Cách phân loại sức khỏe
Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:
a) Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1;
b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;
c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;
d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;
đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;
e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
Nghĩa là, để tham gia NVQS, công dân tham gia phải không có tiêu chuẩn sức khoẻ nào bị loại 4. Mà chiếu theo phụ lục 1 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP tại mục 12 bảng số 2 có nêu rõ: “Kinh nguyệt nhiều, hay xuất hiện và không đều” sẽ xếp điểm 4.
Như vậy, công dân nữ có kinh nguyệt nhiều, hay xuất hiện và không đều chỉ có thể có mức xếp loại sức khoẻ cao nhất là loại 4, không đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự.
Lan Anh