Nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS

Xin cho tôi hỏi việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS bằng những nội dung như thế nào? - Trúc Linh (Ninh Thuận)

Nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS

Nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS (Hình từ Internet)

1. Thế nào là HIV/AIDS?

- HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

- AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.

(Khoản 1 và 2 Điều 2 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (sửa đổi 2020)

2. Nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS

Theo khoản 1 Điều 4 Nghị định 63/2021/NĐ-CP, nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:

- Nguyên nhân, đường lây truyền HIV, các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và các biện pháp chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV;

- Hậu quả của HIV/AIDS đối với sức khỏe, tính mạng con người và sự phát triển kinh tế - xã hội;

- Quyền, nghĩa vụ của cá nhân và của người nhiễm HIV trong phòng, chống HIV/AIDS;

- Các phương pháp, dịch vụ xét nghiệm, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị người nhiễm HIV;

- Các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV;

- Chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV;

- Các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục và các nội dung về chăm sóc sức khỏe khác;

- Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS.

3. Hình thức tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS

Việc tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện thông qua các hình thức sau đây:

- Thông qua các phương tiện truyền thông như: loa truyền thanh, pa-nô, áp-phích, tranh cổ động; chiếu phim có nội dung tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS;

- Truyền thông theo nhóm đối tượng quản lý trên cơ sở phân loại của cơ sở quản lý;

- Truyền thông cá nhân cho đối tượng quản lý;

- Truyền thông trong các sự kiện: Tổ chức các cuộc thi về phòng, chống HIV/AIDS; các buổi văn nghệ và các sự kiện lồng ghép các nội dung phòng, chống HIV/AIDS nhân các sự kiện của cơ sở quản lý hoặc Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS;

- Lồng ghép các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS vào chương trình giáo dục thường xuyên của cơ sở quản lý;

- Cấp phát các ấn phẩm, tài liệu truyền thông cho đối tượng quản lý;

- Việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS thực hiện theo quy định tại Điều 21 Luật Phổ biến giáo dục pháp luật 2012.

Trong đó, mỗi đối tượng quản lý được tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS ít nhất 2 lượt trong một năm.

(Khoản 2 Điều 4 Nghị định 63/2021/NĐ-CP)

4. Các nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS

Theo Điều 3 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (sửa đổi 2020), các nguyên tắc phòng, chống HIV/AIDS bao gồm:

- Kết hợp các biện pháp xã hội và biện pháp chuyên môn kỹ thuật y tế trong phòng, chống HIV/AIDS trên nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính, trong đó thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm thay đổi hành vi là biện pháp chủ yếu.

- Thực hiện việc phối hợp liên ngành và huy động xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội.

- Kết hợp chặt chẽ phòng, chống HIV/AIDS với phòng, chống ma tuý, mại dâm, chú trọng triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV.

- Không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ; tạo điều kiện để người nhiễm HIV và thành viên gia đình họ tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

5. Trách nhiệm trong phòng, chống HIV/AIDS

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hành động về phòng, chống HIV/AIDS.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS; tham gia và giám sát thực hiện biện pháp phòng, chống HIV/AIDS; tổ chức, thực hiện phong trào hỗ trợ về vật chất, tinh thần đối với người nhiễm HIV.

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS.

- Gia đình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

(Điều 5 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 (sửa đổi 2020)

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1417 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;