Xin cho tôi hỏi Chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ có những nội dung chủ yếu nào? - Trung Kiên (Quảng Ngãi)
Nội dung của Chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ là gì?
Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ là tập hợp các nội dung, nhiệm vụ về hoạt động xúc tiến, trợ giúp phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm mục tiêu phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Trong đó, công nghiệp hỗ trợ là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.
(Khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP)
2. Nội dung của Chương trình phát triển công nghệ hỗ trợ
Cụ thể tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 111/2015/NĐ-CP, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ có các nội dung như sau:
- Hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp: Quản trị doanh nghiệp; quản trị sản xuất; tạo liên kết và kết nối các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với khách hàng, trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho các tập đoàn đa quốc gia và các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ khác ở trong và ngoài nước; xúc tiến, hỗ trợ thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
- Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
- Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng và vật liệu;
- Phổ biến nhận thức, cung cấp thông tin về các chính sách, thị trường và năng lực các ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, thông qua các hình thức như: Tổ chức hội thảo, xuất bản các bản tin, ấn phẩm và quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng khác;
- Hợp tác quốc tế trong phát triển công nghiệp hỗ trợ; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ;
- Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển phù hợp, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực;
- Xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước trên trang thông tin điện tử chuyên về công nghiệp hỗ trợ.
3. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
- Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp trung ương được hình thành từ các nguồn sau:
+ Ngân sách nhà nước cấp hàng năm theo kế hoạch;
+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước;
+ Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Kinh phí thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cấp địa phương được hình thành từ các nguồn sau:
+ Ngân sách nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hàng năm;
+ Nguồn tài trợ, đóng góp của các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ;
+ Nguồn tài trợ và đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
+ Các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
(Khoản 1, 2 Điều 3 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 10/2017/QĐ-TTg)
4. Nguyên tắc sử dụng kinh phí để thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ
Theo Điều 4 Thông tư 29/2018/TT-BTC, các nguyên tắc sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ bao gồm:
- Kinh phí thực hiện chương trình cấp trung ương đảm bảo cho những hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện đối với những hoạt động, nhiệm vụ nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở quy mô vùng, miền và quốc gia có tác động lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hoạt động công nghiệp hỗ trợ theo quy mô vùng, miền, quốc gia do Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định.
- Kinh phí thực hiện chương trình của cấp địa phương đảm bảo cho những hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và thực hiện tại địa phương phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ ở địa phương.
- Các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ phải đúng mục đích, đúng chế độ, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
Trần Thanh Rin