Luật Cơ quan đại diện Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm 6 chương và 36 điều quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của cơ quan đại diện; nhiệm vụ và quyền hạn, tổ chức bộ máy, biên chế, kinh phí, trụ sở và cơ sở vật chất của cơ quan đại diện; tiêu chuẩn thành viên cơ quan đại diện; chức vụ ngoại giao, lãnh sự, người đứng đầu cơ quan đại diện, việc cử, bổ nhiệm, triệu hồi người đứng đầu cơ quan đại diện,...
Phạm vi điều chỉnh của Luật
Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài 2009 quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam ở nước ngoài ( gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế liên chính phủ) phù hợp với quy định của các Công ước Viên về đại diện ngoại giao, lãnh sự và đại diện tại tổ chức quốc tế liên chính phủ và quản lý nhà nước đối với cơ quan đại diện. Tổ chức và hoạt động của các cơ quan đại diện khác của các bộ, ngành tại nước ngoài như Thông tấn xã Việt Nam, đại diện các báo, văn phòng đại diện của các bộ, ngành địa phương không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.
Vị trí pháp lý của cơ quan đại diện
Lần đầu tiên Luật quy định rõ Vị trí pháp lý của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài: cơ quan đại diện được Chính phủ thành lập và do Bộ Ngoại giao trực tiếp quản lý, thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại ở nước ngoài, trong đó xác định nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn về công tác đối ngoại cho các đại diện của các bộ, ngành và địa phương ở nước ngoài; chủ trì, tham gia các hoạt động đối ngoại của Việt Nam ở nước ngoài; tổng kết, đánh giá hoạt động đối ngoại tại quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.
Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện
Lần đầu tiên Luật quy định đầy đủ các nhiệm vụ cơ bản của cơ quan đại diện, phù hợp với yêu cầu chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Đó là các nhiệm vụ: thúc đẩy quan hệ văn hóa, nhiệm vụ lãnh sự, hỗ trợ và bảo vệ cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại và quản lý cán bộ, cơ sở vật chất của cơ quan đại diện.
Thẩm quyền, trình tự, thủ tục thành lập, đình chỉ, chấm dứt hoạt động của cơ quan đại diện
Theo quy định của Luật, Chính phủ có thẩm quyền quyết định thành lập, tạm đình chỉ và chấm dứt hoạt động cơ quan đại diện theo đề nghị của Bộ Ngoại giao sau khi trao đổi ý kiến với các cơ quan hữu quan.
Thẩm quyền quyết định, trình tự xây dựng bộ máy, tổ chức và biên chế của cơ quan đại diện
Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt đề án do Bộ Ngoại giao trình liên quan đến tổ chức bộ máy và chỉ tiêu biên chế của cơ quan đại diện. Như vậy, về mặt thủ tục, mọi đề án liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế của cơ quan đại diện đều do Bộ Ngoại giao trực tiếp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt và trong trường hợp liên quan đến cán bộ của các bộ, ngành làm việc tại cơ quan đại diện thì thống nhất với các bộ, ngành đó.
Biên chế cán bộ
Luật quy định các cán bộ của cơ quan đại diện gồm cán bộ của Bộ Ngoại giao, và theo yêu cầu của công việc, có cán bộ của các bộ, ngành khác. Cán bộ của các bộ, ngành làm việc tại cơ quan đại diện theo chế độ biệt phái được quy định tại Luật cán bộ, công chức.
Kinh phí của cơ quan đại diện
Kinh phí của cơ quan đại diện gồm kinh phí xây dựng cơ bản, kinh phí hoạt động thường xuyên được cấp cho Bộ Ngoại giao để phân bổ cho cơ quan đại diện; kinh phí dành cho hoạt động chuyên môn đặc thù được cấp cho cơ quan chủ quản để phân bổ thực hiện.
Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đại diện
Luật xác định rõ cơ quan đại diện tổ chức và hoạt động theo chế độ thủ trưởng. Người đứng đầu cơ quan đại diện có quyền quyết định các vấn đề quản lý tổ chức bộ máy, quản lý hành chính, đánh giá, nhận xét, thực hiện các hình thức khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, kể cả cán bộ biệt phái.
Trách nhiệm của các thành viên khác của cơ quan đại diện
Luật quy định rõ thành viên cơ quan đại diện phải thực hiện các quy định của Bộ Ngoại giao và của cơ quan đại diện, bảo vệ hình ảnh, uy tín, danh dự và lợi ích của Việt Nam, tôn trọng pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại và không được lạm dụng quyền ưu đãi, miễn trừ vì lợi ích cá nhân.
Phối hợp công tác giữa cơ quan đại diện và cơ quan, tổ chức khác
Luật quy định rõ trách nhiệm phối hợp giữa cơ quan đại diện với cơ quan, tổ chức của Việt Nam, cơ quan có cán bộ biệt phái và các đoàn trong nước được cử đi công tác nước ngoài.
Nguồn: daibieunhandan.vn